Việt Nam đang hiện thực hóa lộ trình phát triển

Thu Hương

(Tài chính) Trước xu thế phát triển điện hạt nhân trên thế giới, nhìn lại tốc độ tăng trưởng cũng như nhu về cầu năng lượng của Việt Nam, thì việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là đòi hỏi bức thiết và là sự lựa chọn tốt nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhìn từ nhu cầu năng lượng

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, trong quá trình phát triển rất cần đảm bảo nguồn an ninh năng lượng. Nguồn tài nguyên năng lượng chủ yếu của Việt Nam hiện nay là than, dầu mỏ, khí đốt và thuỷ điện, trong đó trữ lượng than là dồi dào nhất, hàng năm khai thác khoảng 25 - 27 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo Quy hoạch, sản lượng than với mức cao cũng chỉ đạt trên 50 triệu tấn vào giai đoạn 2020 – 2025; Sản lượng khí đốt được dự kiến không vượt quá 16 tỷ m3 hàng năm. Thuỷ điện và các dạng năng lượng mới như gió, địa nhiệt sinh khối có tiềm năng tối đa khoảng 70 - 80 tỷ kWh và trong 10 năm tới, sản lượng điện từ các nhà máy thuỷ điện sẽ cung cấp khoảng trên 62 tỷ kWh thì so với nhu cầu điện vẫn thiếu hụt lớn. Riêng năm 2015, dự kiến cả nước vẫn thiếu khoảng 8 tỷ KWh điện; con số này đến năm 2020 sẽ là từ 36 đến 65 tỷ KWh. Ngay cả khi khai thác hết các nguồn năng lượng và đẩy mạnh mua điện nước ngoài cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Lời giải duy nhất cho bài toán thiếu điện là phải phát triển điện hạt nhân.

Đến lộ trình phát triển

Thực chất, vấn đề phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ quan tâm từ những năm đầu thập niên 1990 bằng việc chỉ đạo nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Qua nhiều năm nghiên cứu, triển khai thực hiện, đến nay lộ trình cho việc hoàn thành nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam đã có những bước tiến cụ thể từ hàng lang pháp lý đến triển khai thực hiện.

“Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đồng thời, tập trung đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân…” - Ông Lê Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng.

Năm 2008, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Năng lượng nguyên tử, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng điện hạt nhân tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thực hiện mời thầu đến các nước và triển khai thực hiện xây dựng nhà máy đầu tiên bắt đầu đi vào vận hành, theo kế hoạch là vào năm 2020. Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy Ninh Thuận 1 (đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) và Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), trong đó mỗi nhà máy gồm bốn tổ máy (công suất mỗi tổ máy khoảng 1.000MW). Theo đó ngày 4/5/2010, Chính phủ cũng đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo lộ trình, Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được khởi công xây dựng từ năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành năm 2020, với công suất 4.000 MW, chiếm khoảng gần 10% công suất phát điện quốc gia. Nhà máy gồm 4 tổ máy, tổng vốn đầu tư lên đến 7-8 tỷ USD. Sau năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo để từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt khoảng 25%-30% vào giai đoạn 2040 - 2050.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014