Việt Nam, điểm đến mới của second home

Theo Lại Hùng/kinhtenongthon.vn

Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng đang được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư với mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua.

Dự án Eco Bangkok Villas Bình Châu tại thủ phủ du lịch Hồ Tràm, một dự án nghỉ dưỡng hiếm hoi mà khách hàng được sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn.
Dự án Eco Bangkok Villas Bình Châu tại thủ phủ du lịch Hồ Tràm, một dự án nghỉ dưỡng hiếm hoi mà khách hàng được sở hữu sổ đỏ vĩnh viễn.

Tuy nhiên, tiềm năng của phân khúc căn nhà thứ hai - second home cũng như khung pháp lý cho loại hình này còn nhiều vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm.

Xu hướng đầu tư vào ngôi nhà thứ hai

Hội thảo “Đầu tư vào đâu lợi nhuận cao và bền vững?” do Báo Thanh Niên vừa tổ chức, tập trung vào loại hình căn nhà thứ hai - second home. Tại hội thảo, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp gợi mở nhiều vấn đề về thuận lợi và khó khăn đối với loại hình này.

Second home là thuật ngữ chỉ các căn hộ cao cấp hoặc biệt thự do cá nhân sở hữu với mục đích nghỉ dưỡng.

Ở các nước phát triển, đặc biệt các nước có đường bờ biển dài như Mỹ, Úc, Nhật Bản, việc sở hữu ngôi nhà thứ hai để phục vụ kỳ nghỉ cho gia đình không còn xa lạ.

Tại Việt Nam, việc sở hữu ngôi nhà thứ hai dưới dạng BĐS nghỉ dưỡng đã bùng nổ từ những năm 2008 tại các địa phương có lợi thế biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang ngày càng thu hút được lượng lớn khách quốc tế, nhu cầu cầu nghỉ dưỡng tăng đột biến việc đầu tư vào ngôi nhà thứ hai đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Bước sang năm 2019, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư với mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Dự kiến thị trường  tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. Cụ thể, lượng khách du lịch dự kiến trong năm 2019 tiếp tục tăng. Về mặt nguồn cung, thị trường sẽ đón nhận làn sóng các dự án mới có thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động. Điều này được kỳ vọng góp phần đưa các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam lên bản đồ du lịch quốc tế.

Nhận định về xu hướng phát triển second home và chiến lược phát triển loại hình căn hộ thứ hai, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland, nhận định, Việt Nam đang là điểm đến của loại hình này. Đối với nhiều gia đình, việc sở hữu ngôi nhà thứ hai được xem là mục tiêu lớn trong cuộc đời. Ngoài việc có thể tận hưởng các kỳ nghỉ cùng gia đình, chủ nhân còn có thể thu được lợi nhuận từ việc cho thuê trong thời gian không sử dụng. Mức độ sinh lời của căn nhà thứ hai càng lớn khi giá trị BĐS vẫn tiếp tục gia tăng theo thời gian. Đặc biệt, loại hình “ngôi nhà thứ 2” hiện nay khá đa dạng, từ biệt thự nghỉ dưỡng cho tới căn hộ khách sạn nên không chỉ người giàu  mà cả người có thu nhập trung bình đều có thể sở hữu “second home”. 

Tuy nhiên, theo ông Võ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Công ty Danh Khôi Việt, việc phát triển loại hình này cần dựa trên 10 yếu tố. Theo đó, để phát triển được loại hình second home, cần đảm bảo được những lợi thế du lịch sẵn có, hạ tầng giao thông và liên kết vùng, khí hậu, hệ sinh thái, các khu vui chơi, mảng xanh cũng như việc kết nối với quốc tế và các địa phương trong vùng. Tuy nhiên, theo ông Cung, yếu tố quan trọng nhất đối với loại hình second home là việc sở hữu lâu dài.

Sớm ban hành khung pháp lý

Tại buổi hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh  (HoREA) nhận định về pháp lý cho loại hình căn hộ khách sạn - condotel.

Theo ông Châu, đối với loại hình căn nhà thứ hai, yếu tố tiêu dùng sẽ thấp hơn yếu tố kinh doanh. Cụ thể, với second home thì 90% là để kinh doanh và 10% để tiêu dùng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam chỉ có khoảng 13% dân số là thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng theo đánh giá của Việt Nam, tầng lớp đó là 35% và cơ hội để tăng thu nhập của chúng ta, trong vòng 10 năm nữa, con số này có thể lên 50 - 55%.

Thời điểm hiện tại, ông Châu cho rằng, việc đầu tư vào căn nhà thứ hai còn có nhiều hình thức mới và mọi người đều có thể tham gia. Cụ thể, căn nhà thứ hai không chỉ nằm trong các khu du lịch nghỉ dưỡng vì có thể thông qua ứng dụng Airbnb (dịch vụ đặt phòng, căn hộ...) thì căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh cũng có thể thực hiện cho thuê. Ngoài ra, còn có phương thức chứng khoán hóa BĐS, đây là hình thức hoàn toàn mới là chia nhỏ giá trị BĐS đó thành từng cổ phần để giao dịch trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, dù ở hình thức nào cũng cần nghiên cứu tiếp để tránh rủi ro lừa đảo.

Nhận định về tính pháp lý của condotel, ông  Châu cho rằng, pháp lý của loại hình căn hộ này còn nhiều nhược điểm. “Tôi nghiên cứu kỹ về các luật có liên quan, người mua căn hộ phải được cấp sổ đỏ nhưng rất tiếc từ 2008 đến nay, có tình trạng một số tỉnh cấp sổ đỏ cho người mua condotel ghi trên đó là sở hữu ổn định lâu dài, không hình thành giá trị ở. Điều đó hoàn toàn trái với quy định của Luật Đất đai. Ví dụ khi có kết luận của thanh tra thì Đà Nẵng cấp lại sổ đỏ nhưng lại trừ mất thời gian 11 năm và chỉ còn 39 năm là thiệt hại cho người dùng. Vì vậy, tôi kiến nghị cấp lại sổ đỏ nhưng vẫn có thời gian sở hữu 50 năm hoặc theo thời hạn của dự án đó cho người mua condotel”, ông Châu nhấn mạnh.

Liên quan khung pháp lý cho loại hình này, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, với việc đầu tư vào căn nhà thứ hai, người mua phải tìm hiểu pháp lý kỹ lưỡng để sau này giải quyết vấn đề nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết.

HoREA cũng như nhiều đơn vị đã có các kiến nghị với mục tiêu cụ thể hóa về pháp lý của condotel, giúp nhà đầu tư yên tâm và có cơ hội sở hữu sản phẩm đúng quy định. Bản thân các kiến nghị của HoREA cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định để tránh các tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Đối với vấn đề về cam kết lợi nhuận, ông Châu cũng lưu ý, việc cam kết lợi nhuận về condotel của nhiều chủ đầu tư rất cao, từ 8 - 12%/năm nhưng lại không có biện pháp để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện theo cam kết. Vì vậy, tính khả thi chưa đảm bảo. Đối với các nhà đầu tư thứ cấp, hãy là những nhà đầu tư thông thái để tránh các rủi ro có thể gặp phải.