Việt Nam đối mặt lạm phát cao do tác động từ xu thế giá cả toàn cầu tăng

PV.

Theo TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF), Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức về lạm phát dưới tác động của tăng trưởng giá cả quốc tế. Thậm chí, động lực tái cấu trúc giá cả thị trường do đại dịch còn lớn hơn so với việc tăng thuế do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

So với năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới hiện nay như giá kim loại, giá dầu, giá nguyên liệu nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, đồ uống đều có biến động theo xu hướng tăng cao. Dự báo của NCIF cho thấy, đến hết năm 2022, mức giá của những mặt hàng này vẫn chưa thể giảm nhanh được, gần như tạo ra một mặt bằng giá mới trong thời dịch.

“Giá cả trên thế giới hiện đang ở một mức cao mới, ảnh hưởng rõ rệt đến cả Việt Nam, đặc biệt là giá dầu. Bởi tác động và sức lan toả của giá nhiên liệu này rất lớn. Sự ảnh hưởng của nó có thể kéo dài hết quý IV/2021, tới nửa đầu năm 2022 và chỉ có thể trở về mức bình ổn vào cuối năm 2023. Đây chính là thời điểm kiểm soát lạm phát ở Việt Nam cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Vì vậy, áp lực lạm phát đã hiện hữu rõ ràng”, TS. Trần Toàn Thắng nhận định.

Hình 1: Dự báo giá cả hàng hoá trên thế giới

Nguồn: NCIF
Nguồn: NCIF

Đối với giá các mặt hàng khác, bao gồm là giá kim loại, giá thực phẩm... cũng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, giá thực phẩm sẽ không có nhiều ảnh hưởng, do biến động của giá thực phẩm thường ngắn hạn, tăng nhanh nhưng cũng giảm nhanh.

Trong khi đó, biến động của giá kim loại cơ bản lại có ảnh hưởng cơ bản đến đầu vào của rất nhiều các ngành công nghiệp, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất đầu vào đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ở trong nước. Ước tính của NCIF, sự tăng giá của kim loại trong thời gian vừa qua có thể làm tăng 2 điểm phần trăm đối với tỷ lệ lạm phát của Việt Nam.

Bên cạnh đó, câu chuyện logistics - cảng biển cũng là một yếu tố đáng quan tâm và tác động mạnh mẽ tới xuất nhập khẩu Việt Nam.

TS. Trần Toàn Thắng đưa ví dụ về giá cước container từ Trung Quốc đi cảng Amsterdam (Hà Lan) đã tăng từ khoảng 2.500 USD lên 22.000 USD, tức tăng gấp 9 lần giá cước thời điểm trước dịch, thậm chí cao hơn giá trị thực của hàng hoá được đóng trong container, đẩy giá cả các mặt hàng xuất nhập khẩu tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp và tác động tiêu cực tới hoạt động xuất nhập khẩu.

Hình 2: Ảnh hưởng của tăng giá Logistic tới lạm phát tại Việt Nam 

Nguồn: NCIF
Nguồn: NCIF

 

Nghiên cứu của NCIF cho biết, sự tăng giá cước logistics toàn cầu có thể làm tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong quý IV/2021 tăng hơn 4 điểm phần trăm. Để mức ảnh hưởng của giá cước logistic tới lạm phát Việt Nam trở về con số 0 cần phải trải qua đoạn đường khá dài, có thể kéo tận đến hết năm 2023.

“Nếu như ảnh hưởng của chi phí Logistics trên toàn cầu kéo dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, ảnh hưởng đến các dòng vốn và ảnh hưởng đến cả vấn đề tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đó là những điểm mà chúng ta cần phải quan tâm trong thời gian tới. Không thể chủ quan cho rằng, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được công bố gần đây vẫn ở ngưỡng thấp. Cần nhìn vào thực tế rằng, chỉ số lạm phát thấp không phải do mặt bằng giá cả thấp, mà là do cầu tiêu dùng trong nước thấp trong thời gian dài thực hiện giãn cách ở nhiều tỉnh thành”, TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh.

Tình trạng thiếu hụt lao động đẩy giá lao động tăng cũng là một yếu tố gây nên lạm phát, tuy nhiên tình trạng này không đáng quan ngại, bởi khủng hoảng nguồn lao động chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Khi nền kinh tế dần phục hồi, người lao động cũng dần quay lại với thị trường việc làm, có chăng chỉ là sự dịch chuyển từ khu vực lao động này sang khu vực lao động khác.

Mới đây, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, đại diện Bộ Công Thương cho biết, các cơ quan quản lý đang nỗ lực đàm phán với các quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào nhằm đảm bảo nguyên liệu thô cho sản xuất trong nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo giá thành sản xuất không bị tăng vọt trước đà tăng của giá thế giới...