Việt Nam - EU khẳng định quan hệ đối tác bền chặt
Từ khi quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) được thiết lập vào tháng 10.1990, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính tại khu vực Đông Nam Á. Quan hệ và phạm vi hợp tác song phương trải rộng khắp các lĩnh vực, từ đối phó với các thách thức toàn cầu tới đầu tư, thương mại đã mang lại những kết quả thiết thực.
28 năm phát triển
Tại Hội nghị Meet Europe 2018 - Gặp gỡ châu Âu 2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng và đang dần trở nên tích cực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng và áp lực gay gắt từ bảo hộ thương mại.
Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Liên minh châu Âu cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại đạt 50 tỷ USD trong năm qua và là nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam.
Chỉ ra nhiều kết quả nổi bật, TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực thương mại, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2006 - 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với EU tăng gần 5 lần từ 10,2 tỷ USD lên 50,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 15 - 20%/năm với các mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, dệt may, giày dép, thủy hải sản, cà phê, tiêu, hạt điều... và gần đây là các mặt hàng nông sản.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, EU có mặt hầu hết tại các địa phương và các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Tính đến giữa quý I.2018, có 2.134 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,033 tỷ USD, chiếm 8,5% số dự án và chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Các dự án FDI của EU có mặt trong 18 lĩnh vực kinh tế, trong đó tập trung nhiều hơn vào công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản. Nhìn chung, các nhà đầu tư từ các nước châu Âu có ưu thế về công nghệ và vốn nên đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, EU và các nước thành viên đã trở thành nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất tại Việt Nam. Giai đoạn 2007 - 2013, các dự án ODA của Liên minh châu Âu tập trung hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, cải cách thể chế ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, có nhiều khó khăn.
Thách thức đi kèm
Tuy nhiên, song song với cơ hội, TS. Đặng Minh Đức cũng chỉ ra những thách thức lớn với nền kinh tế Việt Nam. Trong đó nổi lên 3 vấn đề lớn là thị trường EU đòi hỏi khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng hàng hóa cũng như bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, các khoản viện trợ phát triển ODA cũng theo lộ trình cắt giảm khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình và việc thu hút FDI cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực và các nước trong ASEAN.
Kỳ vọng Hiệp định EVFTA
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên của Liên minh châu Âu, đã được lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào năm 2015. Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu bởi đây là đối tác quan trọng hàng đầu mang tính chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và châu Âu vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Thứ trưởng kỳ vọng năm 2018 sẽ tạo ra những bước đột phá mới với việc ký kết và phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do với Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
EVFTA và EFTA sẽ tạo xung lực mới để hai bên khai thác tối đa tiềm năng thị trường, tạo ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp châu Âu nói riêng đầu tư kinh doanh, ổn định, lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết, sự lạc quan và năng động giúp Việt Nam vượt lên những giới hạn, trở ngại hội nhập sâu hơn với thế giới. Đại sứ khẳng định, EU tự hào khi đồng hành với Việt Nam trong quá trình vun đắp cho tương lai đầy triển vọng của đất nước và kỳ vọng hướng tới việc ký kết FTA vào cuối năm 2018.
FTA sẽ không chỉ giúp nâng cao quy mô và chất lượng của nền kinh tế Việt Nam, mà sẽ đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ và trung tâm sản xuất đối với các công ty châu Âu khi đi vào ASEAN. Để từ đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và EU sẽ tiếp tục thăng hoa và đưa hai bên xích lại gần nhau hơn trong sự tin cậy, hữu nghị.
Trong gần 30 năm hợp tác phát triển, Việt Nam - EU đã cùng nhau tạo nên nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên. Năm 1995, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu ký Hiệp định Khung Hợp tác, một trong những PCA đầu tiên mà EU ký kết ở châu Á.
Năm 2012, Hiệp định khung Hợp tác đối tác với những nội dung mới, cập nhật hơn, cam kết mạnh mẽ hơn được ký kết và có hiệu lực vào năm 2016. Cùng với đó, việc đàm phán Hiệp định tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được triển khai và kết thúc đàm phán vào năm 2015. Đây là một trong những FTA thế hệ mới mà EU triển khai ở châu Á, sau Hàn Quốc và Singapore.