Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang EU: Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Theo Nguyễn Phương/baocongthuong.com.vn

Từ tháng 1/2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây là yêu cầu bắt buộc của EU đối với một số nước, trong đó có Việt Nam.

Từ tháng 1/2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập. Nguồn: Internet
Từ tháng 1/2019, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập. Nguồn: Internet

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang EU như da giày, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ… đều phải TCNXX. Tất nhiên, trước khi áp dụng hoàn toàn việc TCNXX, phía EU sẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian quá độ khoảng 6 tháng. Trong thời gian này, doanh nghiệp nào chưa TCNXX hàng hóa có thể xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) form A từ các cơ quan chức năng giống như hiện nay. 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 2.700 doanh nghiệp đang xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi GSP. Ông Hải cho hay, việc doanh nghiệp bắt buộc phải TCNXX khi xuất khẩu sang EU là tương đối gấp gáp. Tuy nhiên, nếu nói về kỹ thuật, việc TCNXX hàng hóa không phải việc quá khó khăn. Bởi thực tế hiện nay, để xuất khẩu sang EU, doanh nghiệp đang phải xin C/O ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương.

Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã biết cách làm thế nào đáp ứng tiêu chí về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi GSP. Đến năm 2019, điều khác biệt duy nhất thay vì Bộ Công Thương hay VCCI cấp C/O thì doanh nghiệp sẽ tự cấp C/O cho chính mình bằng cách ghi một dòng lên chứng từ và hóa đơn là "sản phẩm này đạt tiêu chí để hưởng GSP". 

Trả lời câu hỏi Bộ Công Thương có cấp phép cho các doanh nghiệp đủ điều kiện TCNXX hay không, ông Hải cho biết, Bộ sẽ không cấp phép cho hoạt động này, bởi đó là việc phía EU bắt buộc doanh nghiệp phải làm khi xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia họ. Bộ Công Thương chỉ tập huấn, hướng dẫn và là nơi doanh nghiệp đăng ký để sau này, nếu có vấn đề gì xảy ra trong quá trình giao thương, Bộ Công Thương sẽ nắm được thông tin để phối hợp với phía EU truy suất nguồn gốc hàng hóa và doanh nghiệp. 

Bộ Công Thương cũng đang nhanh chóng xây dựng Thông tư hướng dẫn doanh nghiệp TCNXX hàng hóa khi xuất khẩu đi EU. Sau khi Thông tư được ban hành, Bộ sẽ phối hợp với VCCI, các hiệp hội, ngành hàng có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đi EU như da giày, thủy sản… để tập huấn và hướng dẫn cho doanh nghiệp. Từ đó giúp doanh nghiệp có thể TCNXX nhanh chóng, chính xác, không mất thời gian đi lại và chi phí như cách xin cấp C/O truyền thống. 

Việt Nam tham gia Dự án thí điểm TCNXX hàng hóa trong khu vực ASEAN từ năm 2014, nhưng đến nay, số lượng doanh nghiệp được trao quyền TCNXX hàng hóa còn khiêm tốn. Nguyên nhân do trước đây, việc TCNXX là thí điểm nên doanh nghiệp phải đáp ứng một số tiêu chí về kim ngạch XK, độ uy tín mới được các cơ quan chức năng công nhận kết quả TCNXX.

Tuy nhiên, do phía EU đã yêu cầu doanh nghiệp phải TCNXX nên hoạt động này thời gian tới sẽ dễ dàng hơn. Theo các chuyên gia, cơ chế TCNXX hàng hóa sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như giảm thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, từ đó giảm chi phí giao dịch... Đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt sâu cam kết về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định thương mại tự do, qua đó tận dụng tối đa lợi ích cắt giảm thuế quan. 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 9,83 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017.