Việt Nam-Hàn Quốc tìm cơ hội hợp tác trong ngành công nghiệp robot

Theo Thúy Hiền/vietnamplus.vn

Nhu cầu robot và tự động hóa đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam)
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam)

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) và Trung tâm hợp tác ASEAN-Hàn Quốc (AKC) tổ chức hội thảo Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc trong ngành công nghiệp robot và tự động hóa.

Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA (sau Nhật Bản), thứ ba về thương mại (sau Trung Quốc và Liên minh châu Âu).

Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 7.700 dự án với tổng vốn đầu tư 64 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai nước năm 2018 đạt 62,6 tỷ USD.

Trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015 mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, đưa kim ngạch thương mại dự kiến lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chú trọng chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vũ Đại Thắng cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 và dành ưu tiên hàng đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, nhu cầu robot và tự động hóa đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế quốc tế.

“Việt Nam đã và đang chuyển mình thành cứ điểm sản xuất chiến lược của các Tập đoàn quốc tế. Hiện đã có 130 đối tác nước ngoài với 346,5 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; trong đó, có trên 180 tỷ USD chảy trực tiếp vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, năng lượng, dịch vụ, du lịch. Doanh nghiệp FDI là bộ phận cấu thành quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam,” Thứ trưởng cho biết.

Phái đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc gồm khoảng 50 đơn vị; trong đó, có 11 doanh nghiệp chuyên ngành chế tạo, sản xuất robot và lĩnh vực tự động hóa. Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn chia sẻ thông tin, công nghệ và tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư, từng bước phát triển, ứng dụng robot với đối tác Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về tình hình hợp tác thương mại-đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc trong thời gian qua cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp robot và tự động hóa; đồng thời, đưa ra xu hướng và định hướng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.