Việt Nam kiên trì thực hiện “mục tiêu kép" phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh


Ngày 17/9/2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế thường niên nhằm đưa ra các giải pháp về y tế và tài chính phòng chống đại dịch Covid-19. Tham dự tại điểm cầu Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và một số đơn vị chức năng và đại diện ADB tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến thường niên lần thứ 53 giữa các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến thường niên lần thứ 53 giữa các Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Taro Aso - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới hầu hết các quốc gia trên thế giới, đòi hỏi chúng ta cần phải có những biện pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả để duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Taro Aso cho rằng, “Hội nghị là diễn đàn để các Bộ trưởng Tài chính và Y tế của các quốc gia chia sẻ các kinh nghiệm cũng và đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng cường bao phủ y tế toàn dân, xây dựng chính sách y tế một cách toàn diện, cũng như đảm bảo nguồn lực tài chính để đầu tư lĩnh vực y tế một cách bền vững”...

"Các quốc gia thành viên cần có các biện pháp tăng cường đầu tư hệ thống hạ tầng y tế một cách mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ sức khỏe cho người dân, nâng cao độ bao phủ và có giải pháp bảo vệ người yếu thế, và vùng nông thôn" - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản nhấn mạnh.

Tại hội nghị, bộ trưởng các nước cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với đại dịch Covid -19 từ góc độ y tế và tài chính, đồng thời thảo luận cách thức tăng cường khả năng chống chịu bằng công cụ bảo hiểm y tế toàn cầu.

Tại điểm cầu Việt Nam, chia sẻ về một số kinh nghiệm, cơ chế tài chính được sử dụng ở Việt Nam để ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Việt Nam ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên cấp y tế cở sở. Đồng thời, thực hiện nguyên tắc y tế công cộng do NSNN bảo đảm là chủ yếu; khám, chữa bệnh do bảo hiểm y tế và người dân chi trả.

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại NSNN trong lĩnh vực y tế để có nguồn lực triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, nhất là đối với các đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, biên giới, hải đảo.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Y tế
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến giữa các Bộ trưởng Tài chính và Y tế

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Việt Nam đã sử dụng mọi nguồn lực tại chỗ, ngay từ khi thế giới xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho việc dự phòng, cách ly, điều trị; bảo đảm đủ kinh phí, nhân lực cho phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ, cụ thể: Dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Qua đó đã đảm bảo kịp thời nguồn lực cho phòng, chống dịch...

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện “mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội. Qua đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội.

Việt Nam đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, điển hình như: Triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng cho người dân bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, thực hiện miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, miễn thuế nhập khẩu đối với nhóm mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, gồm: khẩu trang y tế; nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế; nước sát trùng, thiết bị cần thiết khác.

Mặt khác, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu; bổ sung chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, qua đó giảm nghĩa vụ thuế cho người dân. Dừng thực hiện truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa, trong đó có lĩnh vực y tế; Việt Nam chủ động dự phòng mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Song hành cùng với việc phòng dịch, Việt Nam còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.