Việt Nam phải cải cách để nền kinh tế đi đúng đường

Theo infonet.vn

(Tài chính) Trên trang Diễn đàn Đông Á, nhà nghiên cứu kinh tế Suiwah Leung cho rằng mặc dù nền kinh tế có các dấu hiệu cải thiện, Việt Nam cần đẩy nhanh các cải cách để nền kinh tế đi đúng đường.

Việt Nam phải cải cách để nền kinh tế đi đúng đường
Việt Nam cần đẩy nhanh các cải cách để nền kinh tế đi đúng đường. Nguồn: internet

Sau nhiều năm kinh tế vĩ mô rơi vào tình trạng rối loạn, cuối cùng vào năm 2013 kinh tế Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu ổn định ban đầu. Tuy nhiên, theo GS. Leung, chính phủ cần thúc đẩy việc thực thi các cải cách quan trọng trong các lĩnh vực then chốt nhằm nâng cao tăng trưởng dài hạn.

Hiện các chỉ số kinh tế vĩ mô của kinh tế Việt Nam đang hỗn độn. Tỉ lệ lạm phát thông thường đang ở mức 6,7% một phần do tăng trưởng tín dụng “hạ nhiệt” và giá thực phẩm bớt “căng thẳng”. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát lõi (không tính tới giá thực phẩm và năng lượng) của Việt Nam đang ở mức 10% do một số chi phí hành chính như giáo dục và y tế tăng lên. Dự kiến lạm phát lõi của Việt Nam trong năm nay và năm sau sẽ tiếp tục giảm do tỉ lệ tăng trưởng thấp.

Doanh thu từ xuất khẩu và kiều hối giúp Việt Nam có mức độ tăng trưởng GDP 5,9% trong năm 2012 và dự kiến 5,1% cho năm 2013. Kết quả là sức ép đối với đồng tiền Việt Nam đã được giảm nhẹ và tỉ giá hối đoái ở cả thị trường chính thức và không chính thức đã gần bằng nhau.

Tới nay, có những bằng chứng rõ nét cho thấy Việt Nam đã “dấn thân” sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu trong các lĩnh vực như điện tử và linh kiện điện tử, điện thoại di động và linh kiện điện thoại di động, máy tính và các linh kiện ô tô. 

Ước tính trong 10 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và các linh kiện điện thoại di động đạt mức 18 tỷ USD, vượt qua cả ngành dệt may. Đây là kết quả của luồng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn đổ vào Việt Nam trong 5 năm qua từ các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung và Nokia. Cho tới nay, Samsung đã trở thành nhà xuất khẩu lớn của Việt Nam tuy nhiên sẽ có rủi ro nếu một nền kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào một công ty. 

Nhưng dù sao, tất cả những tập đoàn đa quốc gia này đã kết nối nền sản xuất Việt Nam với chuỗi cung ứng toàn cầu và đã giúp chuyển đổi thành phần của “giỏ hàng” xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm điện tử, điện thoại di động và linh kiện điện thoại di động đã tăng từ dưới 4% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2003 lên tới hơn 32% vào năm 2013. Đồng thời, các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động cũng có kết quả kinh doanh tốt với mức độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 17% vào năm 2013, riêng ngành dệt may tăng trưởng 18,5% .

Một lần nữa, chính sách công nghiệp của Việt Nam lại trở nên “hợp thời”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chính phủ Việt Nam chỉ tập trung vào việc “chọn ra những lĩnh vực đem lại thành công” mà chưa xây dựng một môi trường kinh doanh tốt cho các ngành và các doanh nghiệp nhằm giúp họ phát triển các sản phẩm mới cũng như tham gia vào những hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi sản xuất hiện có.

Mặc dù hoạt động xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng yếu tố giúp đem lại tăng trưởng cao hơn về dài hạn chính là việc thực hiện cải cách trong các doanh nghiệp nhà nước (SOE), tái cấu trúc ngân hàng và cải tiến quản lý hành chính và tài chính công.

Việt Nam cần giữ cho chi phí hoạt động kinh doanh – không chỉ giới hạn ở vấn đề lương của người lao động - luôn ở mức cạnh tranh. Các chi phí đó bao gồm: chi phí thông tin liên lạc, bảo hiểm, điện, xăng, vận tải biển và thủ tục hải quan, chi phí thuê văn phòng và nhà ở cho người nước ngoài tới Việt Nam làm việc. Hiện nay, hầu hết các ngành này đang chịu sự chi phối của các doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra tác động sâu sắc tới sức cạnh tranh của toàn bộ các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay cả trong ngành công nghiệp dệt may, mặc dù công nghiệp phụ trợ cho ngành này còn kém về cả chất lượng và số lượng, các doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm tỉ lệ lớn với 21%.

GS. Leung cho rằng Việt Nam cần đưa dần các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi những hoạt động kinh doanh mang tính thuần túy tư nhân như ngành may. Điều đó sẽ giúp tạo ra một mạng lưới các nhà sản xuất, giúp ngành này linh hoạt hơn trong việc đáp ứng thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng và giảm sự lệ thuộc vào nguồn vải và các sản phẩm dệt nhập khẩu.

Cuối cùng, theo GS. Leung, nếu các tập đoàn nhà nước và tổng công ty lớn tham gia vào các lĩnh vực kinh tế không cốt lõi như bất động sản, bảo hiểm và ngân hàng thì nguy cơ nợ xấu sẽ tăng lên.

Tốc độ cải cách ở Việt Nam diễn ra chậm hơn dự kiến, mặc dù năm 2013, chính phủ đã quyết định tiết lộ các thông tin tài chính và phi tài chính, trả lương các giám đốc doanh nghiệp nhà nước theo kết quả kinh doanh và tự do hóa giá bất động sản. Hiện nay sự phối hợp giữa các ban ngành của chính quyền Việt Nam còn lỏng lẻo và điều này cần phải được cải thiện.

Các cuộc nghiên cứu về ngành dệt may, da giày và điện tử đều cho thấy khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các các doanh nghiệp mới là thiếu vốn. Đối với Việt Nam, nếu dỡ bỏ qui định buộc các ngân hàng chỉ cho vay với các công ty có lịch sử kinh doanh hiệu quả (vì lí do đảm bảo an toàn tín dụng), thì điều đó sẽ mở đường cho các doanh nghiệp mới tiếp cận nguồn vốn.

Biện pháp đó không có nghĩa các giám đốc ngân hàng phải xây dựng kĩ năng hoặc chấp nhận rủi ro lớn khi cho các doanh nghiệp mới hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay trong lúc các ngân hàng có thể cho các doanh nghiệp nhà nước vay với lợi nhuận và độ an toàn lớn hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện các cải cách nhằm xây dựng một hệ thống ngân hàng mạnh và hướng tới thị trường sẽ khuyến khích các ngân hàng cấp vốn cho mọi doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việt Nam cần phải tăng tốc cải cách ở lĩnh vực ngân hàng. Nợ xấu tiếp tục cản trở niềm tin vào ngành ngân hàng và cản trở tăng trưởng tín dụng. 

Vấn đề nảy sinh là một số ngân hàng thương mại “lách luật” bằng cách mua lại cổ phần của các công ty khách hàng để những công ty này hỗ trợ tài chính giúp giảm nợ xấu của các ngân hàng này. Một số ngân hàng khác định giá cao vật thế chấp để giảm nợ xấu.

Việc Ngân hàng nhà nước thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào tháng 7/2013 được nhìn nhận là một biện pháp giúp giảm nợ xấu tại các ngân hàng thương mại. VAMC có thể giải quyết được vấn đề nợ xấu hay không phụ thuộc rất nhiều vào lượng vốn mà công ty này huy động được. Trong khi đó, nếu Việt Nam nới lỏng các qui định về vấn đề sở hữu của các ngân hàng nước ngoài, điều đó sẽ giúp tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng và khiến hệ thống này tự đứng vững tốt hơn.

Ngoài ra, việc cải thiện quản lí nhà nước về tài chính có vai trò quan trọng đối với hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực – những yếu tố then chốt cho tăng trưởng dài hạn. 

Nói tóm lại, chuyên gia Leung cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn của Việt Nam đã được cải thiện trong 12 tháng vừa qua mặc dù vẫn còn những rủi ro lớn. Theo ông, thời gian là yếu tố quan trọng.

Nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách các doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc ngân hàng đồng thời duy trì kỉ luật về tài khóa và nếu nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đà tăng trường, Việt Nam vẫn có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng trong dài hạn.