Việt Nam rộng cửa xuất khẩu thịt lợn
Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) tổ chức sáng 20/10 tại Hà Nội. Các đại biểu dự Diễn đàn cho rằng, “rào cản” trước mắt chỉ là những khó khăn trong công tác thú y và có thể tháo gỡ được bằng những liên kết chuỗi bền vững trong chăn nuôi.
Thị trường rộng mở
Tại nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Philipines, Singapore và các nước EU, nhu cầu nhập khẩu thịt lợn rất lớn. Giám đốc điều hành Tập đoàn Daewon Machinery (Hàn Quốc) cho biết, do yếu tố môi trường và dịch bệnh, số lượng lợn nuôi và sản xuất chế biến sản phẩm thịt lợn ở nước này đã giảm mạnh. Trong khi đó, mặt hàng thực phẩm này lại được người Hàn Quốc tiêu dùng nhiều nhất.
Hàn Quốc đang phải nhập khẩu thịt lợn từ 10 quốc gia với các sản phẩm được ưa chuộng như xúc xích, thịt xông khói và các sản phẩm thịt sơ chế khác… Theo lời Giám đốc điều hành Tập đoàn Daewon Machinery, Chính phủ Hàn Quốc đã nghiên cứu các yếu tố của ngành chăn nuôi và chế biến thịt lợn nội địa nhằm bảo đảm khả năng cạnh tranh nhưng hiện chưa có kế hoạch rõ ràng. Vì thế, việc phụ thuộc vào nhập khẩu là không tránh khỏi.
Đầu tư dự án nhà máy chế biến thực phẩm sạch, khu chăn nuôi xanh từ năm 2014, với quy mô nhà máy giết mổ bằng dây chuyền tự động công suất 300 con/giờ theo công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc, Công ty Biển Đông dự kiến sẽ đi vào hoạt động tháng 11/2017.
Giám đốc Công ty Biển Đông Vũ Trọng Nghĩa cho biết, công ty đã đầu tư 2 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn tại Nam Định với quy mô xuất chuồng 10.000 con/lứa.
Đây là động thái đón đầu cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào thị trường Hàn Quốc. Nhờ việc thực hiện tốt quy trình liên kết chuỗi và đầu tư ở vùng chăn nuôi an toàn, Công ty Biển Đông đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Thực phẩm Hàn Quốc sẽ tiêu thụ 2.000 tấn thịt lợn mỗi năm.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ, đã có doanh nghiệp Hà Lan sang tìm hiểu chuỗi quy trình liên kết và bàn thảo vấn đề nhập khẩu. “Chúng tôi sẽ cùng lãnh đạo Bộ NN - PTNT qua Hà Lan để gặp gỡ, đàm phán về vùng an toàn dịch bệnh và các yêu cầu khác cho việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang thị trường này. Dự kiến, khi tiến hành mỗi năm chúng tôi sẽ xuất khẩu 10.000 tấn thịt lợn sang thị trường Hà Lan”, ông Hùng cho biết.
Thách thức trong công tác thú y
Theo báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, đến 1/4/2017, cả nước có khoảng 28,9 triệu con lợn, sản lượng thịt hơi đạt 2,2 triệu tấn. Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu từ Việt Nam lâu nay được thực hiện theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Chẳng hạn, để xuất khẩu thịt lợn, Việt Nam gửi hồ sơ cung cấp thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Sau đó, cơ quan thú y nước nhập khẩu cử đoàn thanh tra sang kiểm tra hệ thống quản lý về thú y, hệ thống kiểm soát dịch bệnh và an toàn thực phẩm, vùng chăn nuôi lợn và nhà máy giết mổ.
Nếu đạt yêu cầu thì mới được phép xuất khẩu thịt lợn. Với những yêu cầu khắt khe đó, đến nay cả nước chỉ có 8 cơ sở giết mổ lợn sữa, lợn choai xuất khẩu sang Malaysia, Hong Kong với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn một lượng không nhiều sản phẩm chế biến từ thịt lợn như ruốc, giò chả… xuất sang thị trường Mỹ, Australia, Ma Cao, Hong Kong…
Xung quanh các yêu cầu về công tác thú y, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho hay, các nước thành viên của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) sẽ dùng các quy định của OIE để làm cơ sở xây dựng các quy định (hàng rào kỹ thuật) đối với thực phẩm xuất khẩu.
Tùy thuộc vào tình hình mỗi quốc gia mà có thể đưa ra các quy định thấp, hoặc cao hơn so với quy định của OIE. Như vậy, việc đàm phán xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sẽ linh hoạt tùy theo yêu cầu của từng nước đối tác nhập khẩu chứ không có một quy trình chuẩn chung cho tất cả các nước và tất cả các sản phẩm hàng hóa.
Ví dụ, với thị trường truyền thống gần gũi là Nga gần đây khi được đề nghị kiểm tra đánh giá an toàn dịch bệnh (ATDB) của 8 cơ sở đăng ký giết mổ, chế biến đều không đạt. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ cần nguồn thực phẩm từ quốc gia không có dịch lở mồm, long móng được OIE công nhận. Đương nhiên, yêu cầu này cũng được Trung Quốc đặt ra đối với mặt hàng lợn sống, thịt lợn của nước ta…
Đại diện Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, kinh nghiệm xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản cho thấy, cần phải đẩy mạnh những chương trình giám sát dịch bệnh, giám sát an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất thịt lợn xuất khẩu.
Giám đốc Công ty Biển Đông Vũ Trọng Nghĩa đề xuất cơ quan quản lý tuyên truyền sâu rộng các quy định về thịt lợn xuất khẩu của các thị trường tới cộng đồng doanh nghiệp; thường xuyên trao đổi, hợp tác với cơ quan hữu quan các nước để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại cấp cao để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá… Đại sứ Hà Lan Nienke Trooster tỏ ra lạc quan: Việt Nam đã xuất khẩu được thịt gà sang Nhật Bản, thì việc xuất khẩu thịt lợn sang các thị trường khác cũng trong tầm tay.