Việt Nam tích cực thực hiện Sáng kiến Khí hậu

Hồng Ánh

Ngày 17/10/2023, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tại Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Sáng kiến Khí hậu Việt Nam 2023 thường niên với chủ đề “Từ cam kết đến hành động”.

Hội thảo hướng tới tăng cường trao đổi giữa các đối tác, nhà tài trợ và các bên thực hiện dự án Sáng kiến Khí hậu (IKI) tại Việt Nam với sự tham gia của đoàn đại biểu các đơn vị tài trợ phía Đức, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, đại diện từ các Bộ, ban, ngành của Việt Nam và hơn 100 đại biểu đến từ 38 dự án IKI đang triển khai tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các bên thực hiện Sáng kiến Khí hậu quốc tế đều cam kết ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trên hành hình hiện thực hoá cam kết phát thải ròng bằng “0”, thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu đa dạng sinh học. Đại diện cấp bộ hai nước Việt Nam và Đức đã trao đổi quan điểm về cách mà IKI có thể hỗ trợ và đẩy nhanh việc thực hiện những cam kết này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Fabian Hartjes - Bí thư thứ hai phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam nhận định, cuộc khủng hoảng khí hậu đang đe doạ cuộc sống của mọi người trên toàn thế giới và không ai miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng này.

Do đó, Đức đã xác định biến đổi khí hậu là một trong những rủi ro an ninh nghiêm trọng nhất thời đại hiện nay, gây bất ổn cho xã hội, gây ra xung đột và phá vỡ hòa bình và ổn định. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Đức là hỗ trợ các đối tác quốc tế đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi khí hậu công bằng.

“Đối với Việt Nam, Đức xác định Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu do sở hữu đường bờ biển dài. Vì vậy, Đức cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc hiện thực hoá các mục tiêu về khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển thị trường carbon và bảo vệ đa dạng sinh học”, TS. Fabian Hartjes nhấn mạnh.

TS. Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: GIZ  
TS. Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: GIZ  

TS. Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, cam kết giảm mức phát thải ròng về “0” (Net Zero) đem lại cơ hội và thách thức không hề nhỏ trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tầm trung và dài hạn, đòi hỏi phải có nguồn lực rất lớn để cụ thể hoá các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các hành động khí hậu.

Kể từ khi triển khai dự án đầu tiên vào năm 2008, Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy các chương trình, dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Hiện nay, IKI đang tài trợ hơn 500 triệu Euro cho các dự án song phương với Việt Nam và các hoạt động nằm trong khuôn khổ các dự án vùng. Trong đó, IKI đã triển khai tổng cộng 38 dự án song phương, khu vực và toàn cầu tại Việt Nam, nằm trong bốn lĩnh vực tài trợ bao gồm: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Thích ứng tác động của biến đổi khí hậu, Bảo tồn và phục hồi các bể chứa các-bon tự nhiên và Bảo tồn đa dạng sinh học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: GIZ
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: GIZ

Về các hoạt động trong thời gian tới, TS. Philipp Behrens - Vụ trưởng Vụ Quỹ Môi trường Quốc tế (IKI) cho biết, Chiến lược IKI đến năm 2030 sẽ ưu tiên các chủ đề trong 3 lĩnh vực, bao gồm: Chuyển đổi năng lượng; Khử carbon trong các ngành công nghiệp và Chuyển đổi di động. Đây là các lĩnh vực gây ra gần 70% lượng khí thải toàn cầu.

“IKI sẽ kết hợp kiến thức chuyên môn của các bộ phía Đức và huy động đầu tư cho khí hậu từ khu vực tư nhân”, TS. Philipp Behrens khẳng định.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các đánh giá và thảo luận về những nỗ lực trong chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải ròng bằng “0” và bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới COP28.

 

Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) là một phần quan trọng trong cam kết tài chính khí hậu quốc tế của Chính phủ Đức. Từ năm 2022, IKI được hợp tác thực hiện bởi Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức, Bộ Liên bang về Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, An toàn Hạt nhân và Bảo vệ Người tiêu dùng Liên bang Đức và Bộ Ngoại giao Đức. Năm 2023 đánh dấu 15 năm hoạt động của IKI với hơn 950 dự án về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, các hoạt động tại hơn 150 quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mới nổi, với tổng giá trị tài trợ đạt gần 6 tỷ Euro.