Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai

Thanh Tú

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH); diễn biến thời tiết, khí hậu cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng chống chịu của xã hội, cộng đồng người dân đối với rủi ro do thiên tai, BĐKH.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam, Việt Nam luôn nỗ lực để ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai thông qua kiện toàn các luật và chiến lược, các chính sách có liên quan; triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương tích cực thực hiện hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Đến nay, 87,3% tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Các mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH, giảm tác động tiêu cực của BĐKH đến các nhóm dễ bị tổn thương, giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội từ ứng phó với BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế đã được nhấn mạnh trong Chiến lược quốc gia về BĐKH.

Hơn nữa, Việt Nam cũng tích cực thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy lồng ghép thích ứng với BĐKH vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành và địa phương.

Năm 2022, Việt Nam thực hiện cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC), bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26). Việt Nam thường xuyên cập nhật Kịch bản BĐKH và nước biển dâng vào các năm 2009, 2012, 2016 và 2020.

Mặc dù có nhiều nỗ lực song Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH; diễn biến thời tiết, khí hậu cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường ảnh hưởng nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực.

Đánh giá về khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác của Việt Nam, Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023 của Việt Nam nhận định, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai của Việt Nam còn yếu, thiếu, chưa đủ khả năng chống chịu với thiên tai lớn, kéo dài. Công trình phòng chống thiên tai (hồ đập, đê, kè, cống, chống hạn, ngập úng, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão) còn chưa đồng bộ, nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp chưa được xử lý kịp thời nên hiệu quả chưa cao.

Trong những năm gần đây, việc tuyên truyền, phổ biến về phòng chống thiên tai đã có sự thay đổi căn bản về nhận thức trong việc lựa chọn, xác định nội dung tuyên truyền cho nhân dân. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng với sự tham gia của toàn xã hội như: xây dựng các chương trình truyền hình, phóng sự về phòng chống thiên tai; phát triển trang facebook phòng chống thiên tai với nhiều chương trình, tin bài hấp dẫn, tăng tính tương tác và thu hút sự tham gia của người dùng như các chương trình livestream, tọa đàm; thực hiện nhắn tin cảnh báo thiên tai thông qua các nhà mạng tới hàng triệu thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản do thiên tai gây ra…

Kết quả bước đầu đã được các cấp, các ngành, nhất là bà con ngư dân, đồng bào vùng sâu, vùng xa các vùng hay bị ảnh hưởng bão, lũ ghi nhận. Công tác tuyên truyền đã có tác dụng trong cuộc sống người dân, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra.

Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương được  tổ chức theo 3 cấp dự báo; công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn không ngừng được đổi mới, phát triển. 116 hệ thống cảnh báo, giám sát thiên tai tại cộng đồng được lắp đặt.

Tuy nhiên, hệ thống quan trắc vẫn chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của công tác dự báo, nhất là đo mưa ở vùng núi, thượng nguồn các sông và quan trắc trên biển, khu vực bão hoạt động. Hạn chế lớn nhất hiện nay là dự báo định lượng mưa và dự báo cường độ bão với hạn dự báo xa. Càng dự báo xa, dài hạn thì sai số dự báo càng lớn và khi người sử dụng không cập nhật liên tục các bản tin thì thông tin dự báo sẽ không có độ tin cậy cao

Những thách thức nói trên đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng chống chịu của xã hội, cộng đồng người dân đối với rủi ro do thiên tai, BĐKH.