Việt Nam tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô

Theo worldbank.org

(Tài chính) Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng ở mức khiêm tốn, một phần do sự yếu kém của khu vực nội địa.

Việt Nam tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô
FDI vẫn là nhân tố chính đưa kinh tế đi lên. Nguồn: internet

Sáng 6/10, WB vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế lần thứ hai trong năm về triển vọng tăng trưởng của các quốc gia Đông Á, Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP 2014 tiếp tục được giữ ở mức 5,4%, thấp hơn mục tiêu đề ra 5,8% của Chính phủ. "Con số có thể còn cải thiện nếu kết quả kinh tế 3 tháng cuối năm tốt lên", ông Sandeep Mahajan, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận định.

Nói về tình hình kinh tế hiện nay, báo cáo của WB cho rằng Việt Nam tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát ở mức một con số, xuất khẩu tiếp tục giữ vững, cán cân thanh toán ổn định.

Mặc dù vậy, một nghịch lý trong nền kinh tế được chuyên gia chỉ ra là trong khi khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục ổn định và là nhân tố thúc đẩy kinh tế, nhu cầu nội địa lại là điểm yếu, kìm hãm tốc độ tăng trưởng.

Tăng trưởng bán lẻ - một chỉ số cho thấy sức mua khu vực tư nhân, giảm xuống 5,7% trong tháng 6 do lòng tin người tiêu dùng giảm sút. Tỷ lệ đầu tư tư nhân nội địa trên GDP đứng ở mức 10,7% trong quý một năm nay, thấp so với con số 13,9% hồi 2010.

Ngoài ra, ngày càng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nội địa đóng cửa hoặc dừng hoạt động. Trong 7 tháng đầu năm nay, có 37.600 doanh nghiệp nội đóng cửa hoặc dừng hoạt động, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. "Tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức khiêm tốn và dưới tiềm năng, do sự yếu ớt của nhu cầu khu vực nội địa", báo cáo của World Bank viết.

Ngược lại, FDI vẫn là nhân tố chính đưa kinh tế đi lên. Tính đến cuối tháng 7/2014, Việt Nam nhận vốn đầu tư nước ngoài từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư khoảng 242 tỷ USD. Khu vực FDI hiện đóng góp 20% GDP, 25% tổng vốn đầu tư, hai phần ba tổng lượng xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm.

Theo WB, việc cần làm với Việt Nam hiện nay là làm rõ hơn kế hoạch tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. "Nếu làm tốt điều này, chúng ta sẽ nhìn thấy tăng trưởng kinh tế cải thiện trong hơn những năm tới", ông Sandeep Mahajan nói.

Theo WB, tốc độ tăng trưởng tại nhóm các quốc gia đang phát triển sẽ đi chậm lại năm nay, từ 7,2% năm ngoái xuống 6,9%. Nếu không kể Trung Quốc, tăng trưởng của nhóm này xuống đáy 4,8% năm nay, và phục hồi lên 5,3% năm sau.

Rộng hơn trên khu vực toàn thế giới, nền kinh tế toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn, ở mức khoảng 26% trong năm nay, và 3,3% trong giai đoạn 2015 đến 2017.