Việt Nam - Trung Quốc cùng "tìm" các nhân tố phát triển mới để cải cách doanh nghiệp nhà nước
Chiều 09/4, tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) phối hợp với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa (SASAC) tổ chức Tọa đàm “Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc”.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan đã phối hợp tổ chức Tọa đàm; đồng thời nhấn mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nói chung và hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng vai trò hết sức quan trọng và đang có nhiều bước tiến tích cực, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả hai bên.
Để phát huy hơn nữa vai trò của DNNN đối với nền kinh tế mỗi nước nói riêng, hợp tác kinh tế hai nước nói chung, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn các đại biểu tại Tọa đàm đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu theo một số định hướng quan trọng.
Cụ thể, tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh; Chia sẻ những bài học thực tiễn về quản trị và cải cách doanh nghiệp, giám sát và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước...
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch CMSC, DNNN luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, các thách thức của việc đẩy mạnh cải cách, đổi mới DNNN là rất quan trọng và khó nhưng "đây là con đường tất yếu phải đi qua". Theo Chủ tịch CMSC, nếu thực hiện tốt việc đổi mới, cơ cấu lại bao gồm cả việc chuyển đổi sở hữu để sử dụng hiệu quả các nguồn lực đang có tại khu vực DNNN sẽ tạo điều kiện nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao mức tăng trưởng GDP cho nền kinh tế Việt Nam.
Tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của DNNN vào GDP đạt xấp xỉ 30%, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua các DNNN Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế về hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển...
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các đại biểu, lãnh đạo doanh nghiệp tập trung trao đổi, thảo luận về những bài học kinh nghiệm; đưa ra những kiến nghị, đề xuất, gợi mở về chính sách để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nhân tố phát triển mới, để đảm bảo cải cách DNNN và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc đi vào thực chất.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Tọa đàm, ông Trương Ngọc Trác – Chủ nhiệm SASAC cho biết, Tọa đàm được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, tình hình thế giới có những thay đổi, DNNN có sứ mệnh quan trọng, không thể thay thế nhất là khi thế giới vừa phải ứng phó với đại dịch COVID-19. DNNN là lực lượng quan trọng trong quá trình hiện đại hoá đất nước. Theo đó, cần xây dựng DNNN trở thành đầu tàu, cởi mở, “giàu sức sống”, là trụ đỡ kinh tế quốc dân, góp phần ổn định xã hội, có khả năng đối phó với khủng hoảng.
Ông Trương Ngọc Trác khẳng định tầm quan trọng của việc phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn nhà nước hướng tới ngày càng chuyên nghiệp; cùng phương thức vận hành, kinh doanh trên thị trường, thúc đẩy sự hội nhập của DNNN.
Tại Tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đã trao đổi về kết quả, bài học về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại Trung Quốc; bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách DNNN tại Việt Nam và các nội dung lớn khác được quan tâm. Đồng thời, doanh nghiệp hai nước cũng đã trao đổi, thảo luận để phát huy hơn nữa vai trò và giá trị của DNNN đối với nền kinh tế mỗi nước nói riêng, hợp tác kinh tế hai nước nói chung…
Toạ đàm diễn ra trong khuôn khổ Chương trình các hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc. Tham dự Toạ đàm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam cùng 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do CMSC làm đại diện chủ sở hữu.