Việt Nam và vấn đề hợp tác khu vực về Hải quan

Huy Hiếu

Để tạo ra được khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), nếu chỉ sử dụng biện pháp cắt giảm thuế quan thì vẫn chưa đủ mà phải bao gồm cả việc dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, đơn giản hóa các tiêu chuẩn, đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục hải quan nhằm đảm bảo lưu thông dòng chảy thương mại giữa các nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hợp tác khu vực về Hải quan

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bởi chủ trương của các nước ASEAN là xây dựng AEC một cách tiệm tiến, liên tục. Thời điểm hình thành AEC vào cuối năm 2015 chưa phải là điểm kết thúc của quá trình hội nhập kinh tế ASEAN mà là một dấu mốc bắt đầu một chặng đường mới và là cơ sở để ASEAN tiếp tục xây dựng AEC trong những năm tiếp theo.

Hợp tác khu vực về các vấn đề Hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu hơn của ASEAN.

Năm 1983, Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN đầu tiên đã được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN ký kết. Sau đó, Bộ quy tắc này được điều chỉnh vào năm 1995 để phản ánh những diễn biến mới của ASEAN, đặc biệt là vấn đề AFTA. Thông qua Bộ quy tắc này, các nước thành viên ASEAN cam kết tạo thuận lợi cho thương mại nội khối bằng cách đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục thương mại và nâng cao hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan.

Cam kết tiếp tục được mở rộng với việc ký kết Hiệp định Hải quan ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ nhất vào ngày 1/3/1997 tại Thái Lan. Hiệp định quán triệt các nguyên tắc về sự nhất quán, đơn giản, hiệu quả, minh bạch, dễ giải quyết khiếu nại và hỗ trợ hành chính lẫn nhau mà Bộ quy tắc ứng xử Hải quan đã đề ra.

Ngoài ra các thành viên cũng thống nhất: Sử dụng danh mục biểu thuế chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Không sử dụng trị giá hải quan vào các mục đích bảo hộ hoặc tạo ra rào cản cho thương mại; Liên tục đơn giản hóa và hài hòa hóa các quy trình, thủ tục hải quan để đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa, cắt giảm thời gian và chi phí giao dịch; Trao đổi thông tin để ngăn chặn và trấn áp các hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma túy…

Để đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực, ngày 18/6/2008 các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Hải quan ASEAN 2015. Văn kiện đã đưa ra các mục tiêu mà các nước thành viên cần hướng tới như: Nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng, doanh nghiệp; Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa thủ tục hải quan ở các nước; Phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ Hải quan; Thống nhất áp dụng các quy tắc phân loại hàng hóa; Thống nhất thực hiện các phương pháp xác định trị giá hải quan theo các cam kết và quy định quốc tế; Đơn giản hóa các thủ tục thông quan và giải phóng hàng trên cơ sở các công ước và thông lệ quốc tế; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kiểm soát Hải quan…

Việt Nam và việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế và cải cách thủ tục hải quan

Trong tiến trình hội nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực thực hiện các cam kết với các nước, trong đó có các cam kết về cắt giảm thuế và cải cách thủ tục hải quan.

Về cắt giảm thuế quan, tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% cho gần 6.900 dòng thuế có xuất xứ ASEAN, chiếm khoảng 72% trong tổng số 9.558 dòng thuế nhập khẩu. Từ ngày 1/1/2015, Việt Nam cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Thông tư 165/2014/TT-BTC cũng quy định cụ thể lộ trình cắt giảm thuế đối với 7% số mặt hàng nhạy cảm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Như vậy, có thể nói đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ, toàn bộ số dòng thuế còn lại sẽ được Việt Nam thực hiện cắt giảm đúng cam kết ATIGA.

Về thủ tục hải quan, đối chiếu với nhiệm vụ đặt ra để thực hiện Nghị quyết 19/NQQ-CP, Chỉ thị 24/CT-TTg, Hải quan Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên cơ sở Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực đến 8/7/2015: 17 thủ tục hành chính trong đó 1 thủ tục hành chính cấp Tổng cục và 16 thủ tục hành chính cấp Chi cục được bãi bỏ; 46 thủ tục hành chính được đơn giản hóa. Số lượng thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan hiện tại là 204 thủ tục hành chính.

Thủ tục hải quan điện tử được thực hiện trên hệ thống VNACCS/VCIS chính thức từ ngày 1/4/2014 đã mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về hải quan: Giảm thời gian thông quan, giảm thiểu giấy tờ trong bộ hồ sơ hải quan, tiết kiệm chi phí… Hiện nay, hệ thống VNACCS/VCIS đã được triển khai tại 34/34 Cục Hải quan và 171/171 Chi cục Hải quan toàn quốc.

Thanh toán thuế điện tử cũng được thực hiện tại 34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Hải quan có thể tiếp nhận thông tin từ 22 ngân hàng thương mại có ký thỏa thuận phối hợp thu với tần suất tức thời (online) và từ Kho bạc với tần suất 15 phút/lần; hệ thống có thể tự động hạch toán kết toán, thanh khoản nợ, thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp…

Tổng cục Hải quan đã triển khai, tiếp nhận bản lược khai hàng hóa điện tử (E-manifest) và các chứng từ có liên quan để thông quan phương tiện vận tải biển xuất cảnh, nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu càng biển trên phạm vi toàn quốc và 02 cửa khẩu cảng sông quốc tế.

Năm 2015, Tổng cục Hải quan tiếp tục nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan, phấn đấu giảm thời gian thông quan bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia, cơ chế Một cửa ASEAN. Đến ngày 4/6/2015, hệ thống Một cửa quốc gia đã kết nối Hải quan (Bộ Tài chính) với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công thương và Bộ Giao thông Vận tải. Việc triển khai cơ chế một cửa dự kiến giảm tử 0,5-1,5 ngày làm việc luân chuyển hồ sơ giấy từ cơ quan quản lý chuyên ngành đến cơ quan Hải quan để hoàn tất thủ tục thông quan hàng.

Việc thực hiện Cơ chế Một cửa ASEAN từ ngày 8/9/2015 lại không chỉ thúc đẩy hài hòa hóa các chuẩn mực và thủ tục hải quan, bao gồm cải tiến các quy trình liên quan đến quy tắc xuất xứ ưu đãi trong nội bộ ASEAN mà còn tạo thuận lợi cho sự phối hợp kết hợp giữa cơ quan hải quan các nước, minh bạch hóa thủ tục hải quan, chia sẻ thông tin nội bộ hải quan cũng như các chương trình cụ thể nằm trong Tầm nhìn Hải quan ASEAN 2015.

Cơ chế Một cửa ASEAN sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thương mại mà còn tạo điều kiện cho sự tham gia của ASEAN vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu – góp phần hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Như vậy, việc điều chỉnh hệ thống thuế và hiện đại hóa hải quan của các nước ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng chính là bước đi nền tảng để tiếp tục thực hiện các thỏa thuận khác về kinh tế hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.