Việt Nam xếp vị trí 90 thế giới về môi trường kinh doanh
Theo Báo cáo khảo sát Môi trường kinh doanh toàn cầu - Doing Business 2016 mới được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 90 trong số 189 nền kinh tế được xếp hạng.
Trong tiêu chí xếp hạng của Doing Business 2016, ngoài những tiêu chí trước đây, Ngân hàng Thế giới bổ sung thêm một số tiêu chí như: Chất lượng của các quy định về xây dựng và thực hiện; Độ tin cậy trong cung cấp điện, tính minh bạch của thuế quan và giá điện; Chất lượng của hệ thống quản lý đất đai; Chất lượng của các quá trình tư pháp. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng điều chỉnh tiêu chí về thời gian và chi phí để xuất khẩu sản phẩm có lợi thế so sánh và nhập khẩu phụ tùng ô tô.
Với các tiêu chí xếp hạng mới, Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam đứng thứ vị trí 90 trong số 189 nền kinh tế được đánh giá. Vị trí này tăng 3 bậc so với Doing Business 2015.
Trong đó, Việt Nam nhiều chỉ số tăng hạng nhẹ so với năm ngoái. Chỉ số khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc, từ thứ hạng 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119. Chỉ số về tiếp cận điện năng tăng 22 bậc, từ thứ hạng 130 lên 108. Chỉ số về tiếp cận tín dụng tăng 8 bậc, từ mức 36 lên 28…
Tuy nhiên, chỉ số thương mại qua biên giới và chỉ số bảo vệ nhà đầu tư đều giảm một bậc so với năm ngoái.
Ngoài ra, Việt Nam có nhiều chỉ số khác không thay đổi, như chỉ số đăng ký tài sản, thực hiện hợp đồng.
Theo báo cáo này, các nền kinh tế thuộc tất cả các nhóm thu nhập đều thực hiện cải cách, trong đó Việt Nam nằm trong các nước dẫn đầu với 5 cải cách. Báo cáo cho biết, Việt Nam đang thực hiện cải cách nhằm đảm bảo cho người vay có thể kiểm tra được thông tin tín dụng của mình, và thành lập thêm văn phòng tín dụng mới để mở rộng diện cho vay. Nhờ đó diện đối tượng vay vốn đã được mở rộng tương đương một số nước thu nhập cao, và các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có quá trình trả nợ tốt sẽ dễ vay vốn hơn do các tổ chức tín dụng dễ xác minh độ khả tín của họ hơn.
Trong năm nay, Singapore tiếp tục giữ vị trí đầu bảng. Singapore được biết đến với môi trường kinh doanh vô cùng chuyên nghiệp, và khả năng thu hút được nhữngnhà đầu tưlớn. Vị trí địa lý kinh tế chiến lược, môi trường kinh doanh thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng là những yếu tố chủ yếu tạo nên sự hấp dẫn của Singapore trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo sau Singapore là New Zealand đứng ở vị trí thứ hai. Tiếp theo là Đan Mạch, Hàn Quốc, Hồng Kông, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan.
Australia năm nay rơi khỏi top 10, xuống vị trí thứ 13. Thay vào vị trí đó là Thụy Điển, tăng một bậc so với năm ngoái. Mỹ vẫn duy trì ở vị trí thứ bảy và Nhật tụt 5 bậc xuống thứ 34. Trong khi đó, Trung Quốc tăng 6 bậc lên vị trí thứ 84 và Ấn Độ tăng 12 bậc lên thứ 130 trên tổng số 189 quốc gia được khảo sát, bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan.
Eritrea nằm ở cuối bảng cùng với Libya, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.
Theo Ngân hàng Thế giới, 30 nền kinh tế dẫn đầu trong danh sách là những quốc gia có luật kinh doanh “hiệu quả và minh bạch”. Kể từ bản báo cáo khảo sát đầu tiên được thực hiện từ năm 2003, Ngân hàng Thế giới đánh giá các quốc gia thu nhập thấp có sự cải thiện hơn hẳn các nước thu nhập cao.
Báo cáoMôi trường Kinh doanhnăm nay là kết quả của hai năm tăng cường thực hiện phân tích và so sánh chất lượng luật pháp và hiệu quả khung pháp lí nhằm phản ánh sát thực tình hình thực tế hơn. Nghiên cứu này của Ngân hàng Thế giới xếp hạng các quốc gia dựa trên 11 tiêu chí như mức độ dễ dàng để bắt đầu khởi nghiệp, hành trình xin giấy phép, tìm nguồn cung và nhận các dịch vụ thiết yết (điện, nước...), đăng ký sở hữu tài sản, giao dịch xuyên quốc gia, hợp đồng lao động…
30 quốc gia xếp hạng đầu tiên bởi các quy định của họ cho phép “thị trường và hoạt động kinh doanh được vận hành một cách hiệu quả và rõ ràng”, không phải vì các quốc gia này có ít quy định hơn.