Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn

Theo Lê Anh/dangcongsan.vn

Dự báo năm 2022 sẽ có nhiều thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Trước hết, Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nên việc khảo sát, làm các thủ tục đầu tư hay kết nối, lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam dự báo cũng tiếp tục sôi động; trong đó có sự chủ động lồng ghép nội dung xúc tiến đầu tư. Riêng trong chuyến sang châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối năm 2021, tổng giá trị các cam kết, biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước lên tới 30 tỷ USD và sẽ là “trái quả ngọt” trong năm 2022 cũng như thời gian tiếp theo.

Phía Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, hiện dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng bắt đầu có sự điều chỉnh, với sự tham gia nhiều của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ hướng đến thị trường nội địa của Việt Nam và thị trường xuất khẩu, nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia. Điển hình của sự chuyển hướng này là sự kiện Uniqlo – Thương hiệu thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản và Tập đoàn bán lẻ AEON liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua.

Trước đó, JETRO cũng đã công bố kết quả Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021. Kết quả cho thấy, mặc dù Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2021, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất lạc quan với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 và cả năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới tại Việt Nam vẫn đạt 55,3%, đứng đầu khu vực ASEAN.

Ngoài doanh nghiệp Nhật Bản hay châu Âu, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh. Qua đó khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Để tăng cường thu hút dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc (giảm số lượng, tăng về chất lượng), đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới.

Năm 2022 cũng là thời điểm các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia của châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… tái cơ cấu, phân bổ nguồn lực và mạng lưới sản xuất - cung ứng toàn cầu của mình.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục có sức hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút FDI của các nước trên thế giới; đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ hai, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; có chiến lược đúng trong xử lý dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động tạo dựng niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính,…

Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang có quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. 

Thứ sáu, tiếp tục tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến. Thời gian vừa qua, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cuộc Tọa đàm với lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn lớn và các công ty đa quốc gia để trao đổi về các kế hoạch đầu tư của họ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ bảy, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gẫy về nguồn lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.