Vietcombank: Gắn đầu tư với an sinh xã hội trên địa bàn Tây Nguyên
Vượt qua khó khăn, từng bước khắc phục hậu quả sau chiến tranh, sau hơn 40 năm, Tây Nguyên đã có những bước "chuyển mình" phát triển mạnh mẽ cùng đất nước. Song hành cùng sự phát triển của Tây Nguyên, trong những năm gần đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã có nhiều hoạt động đầu tư gắn liền với công tác an sinh xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đất anh hùng này.
Kinh tế Tây Nguyên “chuyển mình” phát triển
Xác định tầm quan trọng của mảnh đất Tây Nguyên, nhiều năm gần đây, Đảng - Nhà nước - Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho vùng đất này.
Có thể thấy, từ năm 2013, các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên đã liên tục được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Lâm Đồng và Đăk Lắk. Công tác an sinh xã hội cũng được quan tâm triệt để gắn liền với hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của khu vực Tây Nguyên thời gian qua đạt từ 12-13%/năm. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu… các tỉnh Tây Nguyên đã bám sát đường lối và các chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Từ đó, nhận diện rõ những ưu điểm và hạn chế, từng bước mời gọi doanh nghiệp đầu tư và đã đưa kinh tế chuyển dịch, phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Vietcombank đồng hành cùng sự phát triển Tây Nguyên
Hơn 50 năm phát triển cùng đất nước, với việc tham gia vào sự phát triển kinh tế của các khu vực, vùng miền trên cả nước nói chung, Vietcombank dành sự quan tâm đặc biệt đối với địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Tại đây, mạng lưới Vietcombank có sự hiện diện tại 4 tỉnh là Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng và Kon Tum. Các chi nhánh của Vietcombank trên địa bàn Tây Nguyên luôn nằm trong số các chi nhánh ngân hàng hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng và phát triển bền vững, được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Lấy trọng điểm vì sự phát triển kinh tế Tây Nguyên vững mạnh, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư & an sinh xã hội Tây Nguyên năm 2015, Vietcombank đã ký kết 2 hợp đồng tín dụng đầu tư.
Cụ thể: Vietcombank Gia Lai đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 150 tỷ đồng với Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai; Vietcombank Kon Tum ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 60 tỷ đồng với Điện lực Kon Tum cho chương trình truyền tải và phân phối điện.
Mới đây nhất, ngày 18/12/2016, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016 với chủ đề: “Gia Lai – Tiềm năng – Hợp tác – Phát triển”, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Vietcombank Gia Lai tiếp tục ký kết tài trợ một số dự án đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng với Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEC).
Và tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 - năm 2017, Vietrcombank dành gần 450 tỷ đồng cho 5 dự án phát triể, cụ thể:
- Dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Đa Dâng 3 công suất 12MW với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thuỷ điện Đa Dâng 3;
- Dự án đầu tư nhà máy thuỷ điện Đạ Tông - Đam Rông công suất 5MW của Công ty cổ phần Năng lượng Lâm Đồng;
- Dự án đầu tư nâng cấp công suất nhà máy đường 333 (từ 2.500 tấn/ngày lên 3.500 tấn/ngày) do Công ty cổ phần Mía đường 333 làm chủ đầu tư;
- Dự án đầu tư xây dựng khách sạn Lê Thành Đà Lạt của Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn Lê Thành;
- Dự án xây dựng Trung tâm Phân phối, Nhân giống cây trồng công nghệ cao với chủ đầu tư là Công ty TNHH Fukunana Tây Nguyên.
Tính đến nay, đầu tư tín dụng của Vietcombank tại các tỉnh Tây Nguyên lên tới gần 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% thị phần dư nợ tín dụng tại khu vực Tây Nguyên.
Đối với công tác anh sinh xã hội, Vietcombank cũng đã tài trợ hàng chục tỷ đồng cho các dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe.
Chỉ riêng trong giai đoạn từ 2012 – 2016, tổng giá trị Vietcombank tài trợ cho khu vực Tây Nguyên đạt gần 108 tỷ đồng.
Có thể kể đến những dự án tiêu biểu mà Vietcombank đã dành cho Tây Nguyên như: Tài trợ hơn 33,5 tỷ đồng xây dựng, trang bị cơ sở vật chất dạy và học cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đam Rông (huyện Đam Rông - tỉnh Lâm Đồng); Tài trợ 10 tỷ đồng xây dựng trường tiểu học Cư Pui II - xã Cư Pui - huyện Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc (năm 2013); Tài trợ trang thiết bị y tế cho tỉnh Gia Lai trị giá 7 tỷ đồng (năm 2014); Xây dựng trường Khiếm thính, tỉnh Lâm Đồng trị giá 9 tỷ đồng (năm 2016).
Những đóng góp của Vietcombank cũng như các doanh nghiệp hảo tâm khác trong cả nước dành cho đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã đưa y tế, giáo dục các tỉnh Tây Nguyên từng bước được cải thiện và nâng cao.
Việc hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất dạy và học cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đam Rông là minh chứng rõ rệt nhất, đưa một địa chỉ giáo dục chất lượng thấp vươn lên trở thành một trong những ngôi trường hàng đầu trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và đi đầu trong toàn huyện về chất lượng giáo dục.
Thầy Đinh Trọng Bảy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đam Rông cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của Vietcombank, trường đã có được cơ sở vật chất khang trang, đạt chuẩn quốc qia. Việc dạy và học ngày càng đạt nhiều thành tích tốt hơn.
"Nếu như năm 2013, trường chỉ có 1 học sinh đoạt giải cấp tỉnh thì năm 2015 đã có tới 15 học sinh đoạt giải cấp tỉnh các môn Anh văn, Toán, Văn hóa…” - Thầy Đinh Trọng Bảy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhằm giúp hàng ngàn hộ phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững, trong năm 2015-2016, Vietcombank đã triển khai dự án “ngân hàng bò” với việc trao tặng hàng nghìn con bò giống cho các hộ nghèo tại 10 huyện miền núi giáp Tây Nguyên.
Chương trình đã được Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá rất cao về tính thiết thực, hiệu quả trong việc cải thiện đời sống kinh tế đồng bào miền núi các huyện nghèo giáp Tây Nguyên.
Có thể nói, hoạt động đầu tư gắn liền với công tác An sinh xã hội mà nhiều doanh nghiệp đang dành cho Tây Nguyên, trong đó Vietcombank là một minh chứng cụ thể, đã và đang đưa kinh tế - xã hội Tây Nguyên khởi sắc từng ngày để có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội cả nước.