Vinashin sẽ quay về với mô hình tổng công ty?
(Tài chính) Những động thái gần đây cho thấy, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin có thể sẽ về lại với mô hình tổng công ty khi “chiếc áo tập đoàn” đã trở nên quá rộng…
Mạnh tay thực hiện tái cơ cấu
Cuối tuần trước, tại Trụ sở Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Đã gần ba năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 2108/QĐ-TTg ngày 18/11/2010, công việc tái cơ cấu Vinashin vẫn còn đó những bộn bề, lo toan.
Ông Vũ Anh Tuấn - Quyền Tổng giám đốc Vinashin cho biết, 8 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn đạt giá trị tổng sản lượng hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 112,11% so cùng kỳ 2012 và bằng 61,76% kế hoạch năm 2013. Tổng doanh thu 8 tháng cũng đạt hơn 2.700 tỷ đồng, bằng 106,56% cùng kỳ năm 2012 nhưng chỉ bằng 39,67% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 8/2013, Tập đoàn cũng mới bàn giao được 20/69 tàu cho chủ tàu.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay: “Hiện Tập đoàn đã thực hiện giảm 46 đơn vị đầu mối. Dự kiến, hết tháng 9 sẽ tái cơ cấu xong 4 đơn vị, nâng tổng số đơn vị hoàn thành tái cơ cấu giảm đầu mối là 50 đơn vị”. Mặt khác, Vinashin cũng đang tiếp tục thực hiện rút vốn từ góp bằng thương hiệu tại 105 đơn vị, nhưng công việc này được đánh giá là đang “gặp rất nhiều khó khăn”.
Thị trường đóng tàu trong và ngoài nước hiện vẫn trong tình trạng suy thoái, giá đóng tàu tiếp tục sụt giảm đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi. Việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh hầu như không thể thực hiện được đối với các doanh nghiệp của Vinashin.
Trước tình hình này, Vinashin đã tính đến việc xây dựng phương án tái cơ cấu lao động, giữ lại khoảng 8.000 người, cắt giảm và giải quyết chế độ cho gần 14.000 người theo 2 giai đoạn, theo đó cắt giảm ngay 8.000 người không có việc làm sau đó tiếp tục cắt giảm cùng quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.
Có thể nói, trong ba năm qua, việc tái cơ cấu Vinashin đã được xem là một công việc ưu tiên của Chính phủ. Liên tục có các quyết định điều hành cấp cao liên quan đến doanh nghiệp này, chẳng hạn gần đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1224/QĐ-TTg ngày 26/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu của Vinashin.
Dự đoán về tương lai của Vinashin, đã có ý kiến nhìn nhận rằng, rất có thể cuối tháng tháng 9/2013, sẽ có quyết định quan trọng liên quan đến tương lai của Vinashin. Theo đó doanh nghiệp này có thể sẽ quay về với mô hình tổng công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải như trước khi nó được “nâng cấp” thành Tập đoàn.
Giữ lại 8 “công thần”
Tuy quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, song những thông tin được chính Bộ Giao thông Vận tải hé lộ gần đây đã cho phép hình dung diện mạo tương lai của Vinashin và cũng là của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Trả lời báo giới mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Công cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, các Bộ, ngành, hiện nay Vinashin đang thực hiện tái cơ cấu theo 3 trọng tâm về mô hình tổ chức, phương án sản phẩm và cơ cấu tài chính.
Về mô hình tổ chức, sẽ kết thúc thí điểm thành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, sau đó thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ - Tổng công ty được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, là công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Đối với nhóm doanh nghiệp “con”, sẽ giữ lại và tái cơ cấu toàn diện 8 công ty đóng và sửa chữa tàu thủy Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Thịnh Long, Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Theo ông Công, đây là các công ty đang nắm giữ khoảng 70% năng lực đóng và sửa chữa tàu thủy của cả nước. Đây là những doanh nghiệp có truyền thống, có năng lực, đã được đầu tư kết cấu hạ tầng, dây chuyền công nghệ, thiết bị nâng hạ, gia công cơ khí và một số công nghiệp phụ trợ tương đối đồng bộ, có thể đóng được tàu từ 10.000 - 70.000 tấn và nhiều loại tàu chuyên dùng.
Về phương án sản phẩm, 8 doanh nghiệp được giữ lại sẽ tập trung vào đóng, sửa chữa tàu thủy, định hướng sản phẩm chủ lực như các dòng sản phẩm tàu kéo, tàu cứu nạn, xuồng cao tốc, tàu khách, tàu du lịch; tàu kiểm ngư, tàu cá, tàu hàng đến 25.000 tấn; tàu dịch vụ kỹ thuật dầu khí, phà khách, tàu khách và tàu hàng đến 25.000 tấn. Công ty Đóng tàu Phà Rừng tập trung sửa chữa và đóng các loại tàu đến 40.000 tấn; Công ty Đóng tàu Bạch Đằng đóng và sửa chữa các loại tàu đến 30.000 tấn; Công ty Đóng tàu Hạ Long và Công ty Đóng tàu Cam Ranh đóng và sửa chữa các loại tàu đến 70.000 tấn.
Để chuẩn bị cho bước thay đổi quan trọng này, trên thực tế lâu nay Tập đoàn đã kiện toàn cán bộ lãnh đạo, điều hành tại 8 doanh nghiệp nói trên. Đây cũng là những doanh nghiệp mà từ năm 2010 đến nay vẫn đang phải tiếp tục thực hiện các hợp đồng đóng tàu đã ký và đang đóng dở dang.
Ông Công cho rằng: “Nếu không tái cơ cấu mà phá sản Tập đoàn thì Nhà nước không giữ được 8 doanh nghiệp đóng tàu chủ lực với khoảng 70% năng lực đóng tàu của cả nước. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu liên quan đến hoạt động của Tập đoàn cũng sẽ phá sản theo. Thời gian thực hiện phá sản Tập đoàn sẽ kéo dài, có thể tới hàng chục năm và để có được các cơ sở đóng tàu với năng lực tương đương 8 doanh nghiệp nêu trên sẽ rất mất thời gian và chi phí”.
Đồng thời, ông Công cũng nhấn mạnh rằng, khi thị trường đóng tàu hồi phục, thị trường tài chính ổn định hoặc có điều kiện thuận lợi, sẽ tiến hành cổ phần hóa từng bước để từ đó có nguồn tiền trả các khoản nợ khi đến hạn.