Vĩnh Phúc tăng tốc thu ngân sách trong chặng nước rút
Trước những thách thức từ nền kinh tế và biến động khó lường của thị trường, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung khai thác nguồn thu, kiểm soát chi, và thúc đẩy cải cách hành chính, từng bước củng cố nền tảng kinh tế - xã hội, tạo đà cho tăng trưởng bền vững.
Nỗ lực từ đầu năm để nuôi dưỡng nguồn thu
Năm 2024, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Vĩnh Phúc theo giá hiện hành ước đạt khoảng 172 -173 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 140 triệu đồng/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023. Tổng vốn đầu tư FDI thu hút ước đạt 600 triệu USD, bằng 150% kế hoạch.
Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc được Hội đồng Nhân dân (HĐND) Tỉnh giao dự toán thu ngân sách Nhà nước 31.765 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 26.365 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.400 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân (UBND) Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu.
Ngành Thuế Tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế, đồng thời thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu, đẩy nhanh thu hồi nợ đọng và khai thác triệt để các nguồn thu tiềm năng. Cục Thuế Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng công chức thuế.
Các nhóm giải pháp được triển khai bao gồm: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, phân loại và xử lý nợ thuế. Đồng thời, Cục Thuế cũng tập trung quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.
Đến tháng 10/2024, cơ quan này đã rà soát 95 doanh nghiệp và 892 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử với tổng doanh thu hơn 8.858 tỷ đồng, thu được hơn 137 tỷ đồng tiền thuế. Tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%, đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi cho người nộp thuế.
Nhiều khó khăn trong công tác thu ngân sách
Bên cạnh những điểm tích cực, bức tranh kinh tế-xã hội của Tỉnh cũng còn một số hạn chế. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt thấp. Số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm, số doanh nghiệp giải thể tăng 8,4% so với năm 2023. Sản xuất công nghiệp chưa phục hồi toàn diện, sản lượng sản xuất của một số sản phẩm chủ lực đóng góp vào tăng trưởng, thu ngân sách còn chưa cao…
Tính đến hết tháng 10/2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Tỉnh đạt 22.113 tỷ đồng, tương đương 69,6% dự toán năm và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nội địa đạt 17.705 tỷ đồng (67,2% dự toán), và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.408 tỷ đồng (81,6% dự toán). Một số khoản thu, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất, vẫn còn chậm.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt gần 30.500 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng), chỉ đạt 95,9% dự toán. Tổng chi ngân sách được Tỉnh điều hành chặt chẽ, đảm bảo cân đối. Trong 10 tháng đầu năm, tổng chi ngân sách địa phương đạt 13.038 tỷ đồng, tương đương 61% dự toán năm.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Chi cục Thuế khu vực Lập Thạch – một trong những đơn vị điển hình trong công tác thu ngân sách – đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt tổng thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm vượt 33% so với dự toán pháp lệnh. Điều này minh chứng cho hiệu quả của các giải pháp đồng bộ và quyết tâm của đội ngũ cán bộ thuế trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả tích cực này cũng cho thấy, việc duy trì nguồn thu ngân sách tại Vĩnh Phúc không chỉ là kết quả của các chính sách đúng đắn mà còn là sự đồng lòng, nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các sở, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND Tỉnh và sự chỉ đạo sát sao của UBND Tỉnh, các giải pháp quản lý thuế và điều hành ngân sách đã được triển khai quyết liệt, mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo nguồn thu ổn định.
Một số giải pháp thu ngân sách thời gian cuối năm
Những tháng cuối năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt từ tình hình thế giới bất ổn và tác động trực tiếp đến các ngành kinh tế chủ lực. Là một tỉnh có độ mở kinh tế cao gấp 4 lần so với mức trung bình cả nước, Vĩnh Phúc dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động của thị trường quốc tế, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư.
Cục Thuế tỉnh cũng đang tăng cường các giải pháp quản lý thu, tập trung chống thất thu ngân sách trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, khai thác khoáng sản, thương mại điện tử. Các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế, quản lý kê khai thuế và kiểm soát chuyển giá, gian lận thương mại cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, ngành Thuế Tỉnh tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện Đề án 06 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Để vượt qua thách thức, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Tỉnh yêu cầu tiết kiệm chi thường xuyên, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, và siết chặt kỷ luật tài chính. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, và khơi thông các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Với những giải pháp linh hoạt và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng hoàn thành mục tiêu thu ngân sách năm 2024, đồng thời tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế - xã hội, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tới. Sự đồng lòng từ chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh là yếu tố then chốt để Vĩnh Phúc vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng và khẳng định vai trò là một trong những tỉnh có đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.