VN-Index lùi lấy đà để tiến mạnh hơn
Trong ngắn hạn, VN-Index có thể gặp rung lắc để kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.250 - 1.270 điểm. Nếu vùng hỗ trợ này không bị vi phạm, chỉ số sẽ chinh phục ngưỡng cản 1.300 điểm thêm một lần nữa.
Áp lực vùng đỉnh 1.300 điểm
Sau khi vượt vùng đỉnh cũ 1.300 điểm – ngưỡng cản lớn nhất kể từ giữa năm 2022, áp lực chốt lời quá mạnh khiến VN-Index “không kịp trở tay” rơi vào thế giằng co, sau đó khép lại một tuần giao dịch (phiên 14/6) bằng một cây nến sao hôm giảm điểm mạnh, trả lại toàn bộ thành quả có được ở các phiên trong tuần.
Theo giới chuyện gia, lực bán gia tăng sau mỗi pha bứt phá là điều dễ hiểu, đặc biệt là sự bứt phá chưa thực sự quyết liệt, trong bối cảnh các cổ phiếu Bluechips thiếu sự đồng thuận. Thanh khoản dù có sự cải thiện, xoay quanh mức 25 nghìn tỷ đồng/phiên, cho thấy lực cầu bắt đáy đã tham gia, nhưng vẫn ở mức thận trọng. Đây cũng là yếu tố chính tác động tới tâm lý nhà đầu tư.
Tính chung cả tuần giao dịch từ ngày 10 - 14/6/2024, VN-Index ghi nhận mức giảm 0,6%, đóng cửa tại 1.279,52 điểm. Như vậy, tuy tăng vượt đỉnh 2 năm gần nhất vào đầu tuần, chỉ số đã không chịu được áp lực bán mạnh nên sụt giảm vào phiên cuối tuần.
Mặc dù thị trường vẫn thấp hơn đỉnh cũ (-0,8%) nhưng nhiều nhóm cổ phiếu đã vượt mức đỉnh này, có thể kể đến như: nhóm cổ phiếu “họ” Viettel (+10,3%) dẫn đầu nhóm tăng giá với 2 đại diện là CTR và VGI, cổ phiếu ngành Dịch vụ (+48,6%), ngành Công nghệ (31,8%)… Điều này minh chứng: Tăng giảm của VN-Index không quan trọng, quan trọng là danh mục đầu tư gồm những cổ phiếu gì.
Dòng tiền vững mạnh đến từ nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước, khi chung tay mua ròng trong tuần với giá trị lần lượt 3.150 tỷ đồng và 2.374 tỷ đồng, đối trọng chính cho áp lực bán ròng 5.552 tỷ đồng của các tổ chức nước ngoài. Nhóm Tự Doanh và cá nhân nước ngoài cũng mua ròng trong tuần.
Chính sự đồng thuận giữa các nhà đầu tư trong nước cũng đã trở thành động lực chính cho sự phục hồi của VN-Index trong tháng 5 vừa qua. Nhóm này đã mua ròng 19,93 nghìn tỷ đồng trong tháng 5, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu năm lên 40,36 nghìn tỷ đồng.
Lực cầu mạnh mẽ này đã phần nào làm lu mờ áp lực bán ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài với mức bán ròng 15,59 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 (lũy kế giá trị bán ròng từ đầu năm: 35,45 nghìn tỷ đồng).
Rũ hàng lành mạnh
Theo ông Nguyễn Lê Nguyên Vĩ - Trưởng phòng Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán DSC, một trong những lý do khiến thị trường chưa thể bứt phá là dòng tiền vẫn đang có xu hướng tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự chọn lọc rất khắt khe của dòng tiền.
“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về xu hướng thị trường chứng khoán trong 3 - 6 tháng tới, bởi 2 chất xúc tác quan trọng nhất là sự ổn định của vĩ mô trong nước và sự tích cực từ liên thị trường chưa thay đổi. Trong ngắn hạn, VN-Index nhiều khả năng sẽ có những phiên rung lắc rũ bỏ quanh khu vực 1.250 - 1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh từ mốc 1.250 điểm trở lên được xem là lành mạnh”, ông Nguyễn Lê Nguyên Vĩ nhận định.
Xét về kỹ thuật, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), VN-Index đang lùi về vùng 1.280 điểm, tương ứng đường MA20 ngày. Chỉ báo RSI chưa có sự bứt phá khi vẫn đang đi ngang trong vùng trung tính, số lượng mã cổ phiếu vốn hóa lớn cao/thấp hơn MA20 đang xấp xỉ mức 50/50. Kỳ vọng lực cầu tiềm năng sẽ đồng thuận tham gia trở lại khi thị trường điều chỉnh về các vùng nền an toàn hơn mốc 1.240 – 1.250 điểm, tương ứng MA50 ngày.
Trong xu hướng trung và dài hạn, Agriseco cho rằng, VN-Index vẫn đang “trend” tăng giá, do đó khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư. Với các vị thế ngắn hạn hơn, nhà đầu tư có thể hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu để bảo vệ thành quả và quản trị rủi ro.
Về danh mục trong tuần mới (17/6-21/6), Agriseco lựa chọn những cổ phiếu đầu ngành, vốn hóa lớn đang duy trì xu hướng tăng giá trong ngắn, trung hạn. Các chuyên gia của Agriseco cho rằng, đây là các cổ phiếu có mức giảm thấp hơn so với thị trường chung trong phiên 14/06, đồng thời duy trì được đường trung bình ngắn hạn MA20 ngày cho thấy đây có thể là các cổ phiếu dẫn dắt khi thị trường phục hồi.
Tương tự, Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, tuy thị trường giảm mạnh về dưới 1.280 điểm, nhưng chỉ số này vẫn nằm trên các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn như MA20 hay EMA21 ngày, do vậy cũng có thể kỳ vọng nhịp lùi này như một diễn biến kiểm định lại vùng hỗ trợ thông thường.
Trong kịch bản thận trọng, nếu thị trường để mất ngưỡng hỗ trợ 1.270 điểm, tương đồng với diễn biến của một số chỉ số chứng khoán thế giới trong thời gian vừa qua sau khi vượt đỉnh, ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50 ở 1.250 điểm có thể là điểm cân bằng của nhịp điều chỉnh này.
Nhà đầu tư có thể giải ngân khi thị trường lùi về vùng hỗ trợ này, cơ hội vẫn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tuy nhiên, MBS cho rằng, kịch bản vượt đỉnh vẫn còn nếu thị trường tiếp tục duy trì được trạng thái đi ngang trong tuần này với thanh khoản cải thiện.