VNDIRECT: VN-Index có thể lên 1.700 điểm trong năm 2022
Báo cáo Chiến lược đầu tư năm 2022 của VNDIRECT dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.700 -1.750 điểm trong năm 2022; trên cơ sở P/E khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ.
Hy vọng mới, tầm cao mới
VNDIRECT dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.700-1.750 điểm trong năm 2022; trên cơ sở P/E khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ. Chuyên gia phân tích cho rằng, đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước. Rủi ro chính đối với thị trường năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai. Mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn dự kiến cũng giúp thị trường có dư địa tăng giá.
Thị trường được yểm trợ bởi sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Theo đó, TTCK Việt Nam đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân; những người đang tìm kiếm kênh đầu tư có lợi suất cao hơn khi lãi suất huy động đang giảm.
Bất chấp thời điểm khó khăn do, số lượng tài khoản cá nhân mở mới liên tục đạt mức cao kỷ lục trong những tháng cuối năm 2021, giúp thanh khoản thị trường năm 2021 tăng gấp 2,5 lần so với năm ngoái. Các chuyên gia tin tưởng rằng nhờ mức độ số hóa ngày càng tăng, TTCK sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận đối với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân, trong bối cảnh số lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam chỉ ở mức 3,5% dân số, tương đối thấp trong nhóm ASEAN-6.
Tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 là bệ phóng vững chắc cho thị trường tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết giảm xuống còn 15,8% so với cùng kỳ trong quý 3/2021 nhưng đạt mức ấn tượng 53,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021. Kết quả này rất tích cực trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng nặng khi thực hiện giãn cách chật chẽ trong quý 3.
“Chúng tôi ước tính EPS của TTCK sẽ tăng 39% trong năm 2021 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 20% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2022-2023. Đà tăng của EPS thị trường chủ yếu sẽ đến từ kết quả ổn định của nhóm bất động sản và dầu khí, cũng như sự phục hồi tăng trưởng của nhóm bán lẻ và thực phẩm đồ uống (F&B)”, chuyên gia phân tích của VNDIRECT cho biết.
Định giá thị trường Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn khi so sánh với các thị trường láng giềng. Tại thời điểm ngày 06/12/2021, theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 12 tháng (TTM P/E) là 16,7 lần, thấp hơn một chút so với mức P/E 17,3 lần vào đầu năm 2021. So với các nước trong khu vực, P/E dự phóng của Việt Nam đang rẻ so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là thị trường cận biên trong khi hầu hết các thị trường trong khu vực đều là thị trường mới nổi.
Chuyên gia VNDIRECT kỳ vọng thanh khoản trên TTCK Việt Nam có thể tăng 10-15% so với cùng kỳ vào năm 2022, được thúc đẩy bởi các chất xúc tác sau:
Thứ nhất, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước có thể tiếp tục chảy vào TTCK trong bối cảnh lãi suất huy động vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng thương mại bình quân ở mức 5,5%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm bình quân giai đoạn 2017-2019 (trước đại dịch COVID-19) là 6,8%-7,0%/năm.
Chuyên gia dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 30-50 điểm cơ bản vào năm 2022 và vẫn thấp hơn đáng kể so với mặt bằng lãi suất trước đại dịch. Trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, nhà đầu đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác có lợi suất cao hơn; tiêu biểu là đầu tư chứng khoán.
Thứ hai, một số tên tuổi đáng chú ý như Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh, Bamboo Airways, Tôn Đông Á có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, góp phần mở rộng quy mô thị trường chứng khoán.
Thứ ba, các tính năng mới dự kiến sẽ được triển khai nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022 như mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán chờ về. Hệ thống giao dịch mới cũng giúp giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam
Thứ tư, TTCK Việt Nam có cơ hội được thông báo nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp FTSE trong đợt đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 9 năm 2022 nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) chính thức đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2022.
Tái khởi động các động lực tăng trưởng
Sau khi mất đà tăng trưởng vào Quý 3/2021, kinh tế Việt Nam đang vận hành ở “trạng thái bình thường mới” với tỷ lệ phủ vắc-xin cao và từng bước mở cửa với thế giới. VNDIRECT dự báo GDP năm 2022 tăng 7,5%, được thúc đẩy bởi bốn động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng; FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh; và cầu nội địa phục hồi nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai.
VNDIRECT nhận thấy rủi ro vĩ mô lớn nhất là áp lực lạm phát gia tăng do cả 2 yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo trong năm 2022. Các rủi ro khác bao gồm sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu; cũng sự xuất hiện của các biến thể mới.
VNDIRECT dự báo GDP năm 2022 tăng 7,5%, được thúc đẩy bởi bốn động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng; FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh các nhà sản xuất đa hóa chuỗi cung ứng toàn cầu; và cầu nội địa phục hồi nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai. Nền tảng vĩ mô sẽ tiếp tục được gia cố vững chắc với thặng dư thương mại cũng như dự trữ ngoại hối ở mức cao.
Bốn chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022
Thứ nhất, VNDIRECT cho rằng giá cả hàng hóa sẽ phân hóa trong năm 2022; trong đó nhóm dầu khí và hóa chất vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Thứ hai, câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nhóm năng lượng, bất động sản và BĐS khu công nghiệp.
Thứ ba, nhiều công ty sẽ được hưởng lợi nhờ sự thăng hoa của kinh tế số sau đại dịch.
Cuối cùng, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, F&B và du lịch tăng trưởng mạnh nhanh hơn các ngành khác.