“Vỡ trận” tín dụng cuối năm
(Tài chính) Đến cuối tháng 11/2013, dư nợ toàn ngành chỉ mới đạt hơn 7,5%, việc đạt mức tăng thêm 4,5% trong 1 tháng còn lại là không tưởng.
Chạy đua hạ lãi suất để đẩy vốn ra thị trường, nhưng theo các ngân hàng, đến thời điểm này không còn kỳ vọng có thể đạt chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước giao.
Ồ ạt đẩy vốn
Những ngày qua, các ngân hàng liên tục tung ra các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, với kỳ vọng thu hút khách hàng vay vốn trong dịp cận Tết, trong đó, tập trung nhiều vào đối tượng khách hàng DN (DN) hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và khách hàng cá nhân vay tiêu dùng cũng như sửa chữa nhà.
Chẳng hạn, ACB dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm; VPBank cho vay tiêu dùng với lãi suất siêu ưu đãi 0%/năm, cố định trong 3 tháng đầu; OceanBank cho khách hàng DN vay với lãi suất 7%/năm…
Hay TPBank cho khách hàng cá nhân vay vốn mua, xây sửa nhà, vay tiêu dùng có tài sản thế chấp với lãi suất 8,8%/năm trong 8 tháng đầu tiên, hoặc 0% trong tháng đầu tiên và 11%/năm trong 11 tháng tiếp theo. Eximbank cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất 9%/năm trong 3 tháng đầu, 11 tháng tiếp theo là 11,5%/năm và 12%/năm...
Thế nhưng, tiến độ giải ngân thực tế và tăng trưởng tín dụng vẫn khó đạt được như kỳ vọng của các ngân hàng. Bởi lẽ sức cầu trên thị trường vẫn rất yếu, khả năng hấp thụ vốn của DN rất chậm.
Tại ACB, theo ông Bùi Tấn Tài, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN, tính đến cuối tháng 9/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ mới ở mức 1,6% so với chỉ tiêu nhà băng này đưa ra cho cả năm nay là 12%. Lãnh đạo ACB cho rằng, nhiều khả năng, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm nay của Ngân hàng sẽ chưa đạt tới con số 10%.
Không riêng ACB, mà hầu hết các ngân hàng, tình hình tăng trưởng tín dụng đều đang ảm đạm trong những tháng cuối năm.
Nhìn nhận về nguyên nhân khó thúc đẩy tín dụng, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, nhu cầu vốn lúc này của khách hàng không phải là không có, song với những DN chấp nhận vay lãi suất cao, Ngân hàng lại không dám trao vốn, vì xét thấy rủi ro nhiều.
Các ngân hàng đang phải tìm khách hàng tốt trao vốn, nhưng những DN tốt, hoạt động kinh doanh ổn định, có tình hình tài chính lành mạnh thì nhu cầu vay vốn ngân hàng hiện tại lại không cao. Trước bối cảnh khó khăn, các DN thực hiện chính sách cắt giảm chi phí, trong đó có cả chi phí lãi vay nên họ tận dụng nguồn vốn tự có để sản xuất - kinh doanh.
Còn với khu vực khách hàng cá nhân, theo ông Tâm, nhiều khách hàng đang có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm thêm, giá nhà đất “dịu” hơn mới vay vốn mua bất động sản.
Bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó tổng giám đốc Eximbank cũng cho hay, nhu cầu vốn của khách hàng trong quý IV/2013 có tăng hơn so với 3 quý đầu năm, vì đây cũng chính là mùa vụ kinh doanh cao điểm trong năm.
Thế nhưng, nhu cầu vốn của khách hàng cũng không đột biến, kể cả với lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa phục vụ dịp Tết. Vì vậy, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Eximbank đưa ra cho cả năm nay là 15%, lãnh đạo Eximbank cho biết, khả năng chỉ có thể đạt được trên 10%. 10 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đạt khoảng 8%.
Rủi ro tăng
Dù chạy đua đẩy vốn cuối năm, song lãnh đạo nhiều nhà băng cũng thừa nhận, chỉ với 15 ngày còn lại, việc về đích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gần như là không tưởng.
Vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay đó chính là chất lượng khoản vay khi các ngân hàng chạy đua với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chính sự cạnh tranh không lành mạnh để giành khách hàng cho vay, nhưng thiếu kiểm soát rủi ro đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với các ngân hàng, như trường hợp 7 nhà băng cho Công ty Trường Ngân (công ty vừa vỡ nợ vào đầu tháng 11 vừa qua) vay vốn bằng tài sản thế chấp là hàng tồn kho luân chuyển. Trong khi đó, cho vay bằng hàng tồn kho luân chuyển được xem là cho vay tín chấp và không đúng với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Do đó, khi sự việc vỡ lở, các ngân hàng chỉ biết giành nhau một kho hàng thế chấp (cà phê). Trong 7 ngân hàng này, OCB có lợi thế nhất, bởi khi cho vay, OCB đã có sự kiểm định tài sản thế chấp và khoanh vùng được kho cà phê của Trường Ngân cũng như thông qua một công ty kiểm định cà phê, thay vì chỉ giao dịch bằng giấy tờ, nên khả năng phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi vốn rất lớn.
Vụ việc của Trường Ngân là bài học cảnh báo đối với các ngân hàng trong việc chạy đua giành thị phần tín dụng. Theo đánh giá của một cán bộ cấp cao ngành ngân hàng, tình hình kinh tế hiện nay không như những năm trước, nên các ngân hàng phải hết sức thận trọng trong việc mở rộng hoạt động cho vay.
“Trước đây, việc cho vay thế chấp bằng hàng tồn kho luân chuyển không phải là không có và nếu DN đó hoạt động hiệu quả, các ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn vay.
Một tài sản của DN cũng có thể thế chấp để vay ở nhiều ngân hàng, nếu giá trị tài sản thế chấp vẫn đảm bảo được khoản vay.
Tuy nhiên, trong lúc này, sức khỏe DN không phải lúc nào cũng ổn định, vì những biến động bất ngờ của thị trường mang lại nằm ngoài tầm kiểm soát nên rủi ro nợ xấu luôn rình rập”, vị cán bộ trên nói và cho rằng, nếu không kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, nợ xấu sẽ lặp lại lịch sử của 2 năm qua, cho dù đang được các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ cho VAMC.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn thành phố đến thời điểm này vẫn ở mức 6,2%, không giảm so với đầu năm. Vì thế, khi đẩy tín dụng, các ngân hàng luôn phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng thì mới hạn chế được nợ xấu.
Do đó, để kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng nhanh trong tháng còn lại của năm, theo ông Minh là không dễ và khó có thể hoàn thành được mục tiêu 12% đưa ra cho năm nay.
Vì để trao vốn cho DN đang có nợ xấu luôn là vấn đề được ngân hàng cân nhắc, nên đến thời điểm vẫn chưa có ngân hàng thương mại thực hiện chỉ đạo cho DN có nợ xấu vay nếu có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi, theo tinh thần của Công văn 7558 được Ngân hàng Nhà nước ban hành hồi giữa tháng 10.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho rằng, giả sử số tiền được vay mới sẽ được DN đem đi trả nợ cũ, thay vì đầu tư vào dự án sản xuất - kinh doanh mới thì “người chết” đầu tiên chính là ngân hàng.
Tín dụng năm sau được kỳ vọng sẽ cải thiện tốt hơn, với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 14 - 15%. Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, để đẩy mạnh tín dụng, đòi hỏi trước hết là phải giải quyết được tồn kho, cải thiện sức mua và xử lý nợ xấu.
Nhưng để xử lý nợ xấu, không phải chỉ dựa vào VAMC, mà còn cần nỗ lực từ nhiều phía: DN, ngân hàng và cơ quan quản lý.