Vốn có nhưng khó khai thông
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, một trong những tồn tại chính đối với nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là quy mô sản xuất nhỏ, rủi ro cao cả về chất lượng sản phẩm cũng như thị trường đầu ra.
Trong khi, cho vay nông nghiệp lãi suất thông thường thấp, rủi ro lại cao nên các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng buộc phải dè dặt trong điều kiện vay vốn.
Lãi thấp - rủi cao làm khó ngân hàng
Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, do đặc điểm của nền nông nghiệp ĐBSCL chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ; quy hoạch cây - con - ngành nghề của địa phương chưa rõ, còn manh mún; giá trị đất đai làm tài sản bảo đảm lại thấp do địa phương định giá theo khung giá nhà nước; mặt khác, pháp luật chưa quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp (nhà xưởng, nhà kính...) trong khi đây đều là những tài sản có giá trị cao... nên nông dân gặp khó khăn trong việc tìm tài sản thế chấp để vay vốn.
Cùng với đó, lãi suất thấp, rủi ro cao, nên dù rất muốn giải ngân nhưng các ngân hàng phải dè dặt trong điều kiện cho vay, khiến nông dân càng khó tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, khi cho vay đầu tư nông nghiệp thì khách hàng phải dùng tài sản thế chấp rõ ràng, quy mô lớn để tránh rủi ro.
Còn nếu tài sản nhỏ lẻ thì khó cho vay vì liên quan tới cá nhân người quyết định cho vay và các đánh giá của cơ quan tố tụng, thi hành án. Lãi suất thấp nhưng rủi ro lớn trở thành rào cản khiến nông dân khó tiếp cận được nguồn vốn, ngân hàng cũng khó khai thông dòng vốn vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách hạn điền cũng khiến nền nông nghiệp ĐBSCL nhỏ lẻ, manh mún. Trung bình mỗi nông dân khu vực này chỉ sở hữu khoảng 0,7 ha/hộ nên rất khó áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, dù ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL phát triển sản xuất kinh doanh như chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng; chương trình tín dụng xanh; giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ; thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao... nhưng nguồn vốn vẫn chưa được khai thông để tạo ra một diện mạo mới cho nền nông nghiệp.
Đón đầu thách thức
Mới đây, tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chốt 4 thách thức lớn nhất trong phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Cùng với đó là các giải pháp căn cơ về nguồn lực, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, phương thức tổ chức sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực cũng được chỉ ra.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu phấn đấu tới năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, thu nhập bình quân đầu người gần 10.000 USD. Và, “dù có thay đổi thế nào thì bảo đảm sinh kế cho người dân phải là trọng tâm” - Thủ tướng yêu cầu.
Trên thực tế, nhiều địa phương trong vùng đã có những bước đi đón đầu và mang lại hiệu quả. Đơn cử như tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau đã chuyển dần từ trồng lúa (cây cần nhiều nước ngọt) 3 vụ sang một vụ tôm một vụ lúa, hoặc hai vụ tôm một vụ lúa. Với cách làm này thì cả 3 tỉnh đã chuyển được diện tích rất lớn đất lúa trước đây để thích ứng với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
Tại Đồng Tháp cũng vậy, địa phương này cũng đang giảm lúa vụ Thu - Đông nhằm tạo không gian thoát lũ và chuyển dần sang trồng cây ăn trái, làm nông nghiệp thông minh, thích hợp với thị trường và biến đổi khí hậu. “Đồng Tháp đang quy hoạch 22.000ha ở 4 huyện với 9 mô hình sinh kế thay thế lúa vụ ba, nhờ đó, nông dân có thu nhập cao hơn hẳn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Riêng Agribank, để cùng bà con chống chọi với sự khắc nhiệt, biến đổi khôn lường của khí hậu, đơn vị luôn dành 70% tổng dư nợ cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiếm 51% thị phần tín dụng ngành ngân hàng đầu tư lĩnh vực quan trọng này.
Trong đó, Agribank ưu tiên mục tiêu chuyển đổi cơ cấu, vật nuôi, cây trồng; mở rộng và ưu tiên cho vay các mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm đối phó với diễn biến khí hậu, tình trạng ngập mặn, hạn hán tại ĐBSCL.
“Hiện, Agribank nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa ngân hàng - nhà nông - nhà doanh nghiệp và tiên phong thực hiện các gói tín dụng chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân gặp khó như tạm trữ lúa gạo, tháo gỡ khó khăn đối với nuôi trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản…” - Tổng Giám đốc Tiết Văn Thành cho hay.