Vốn FDI của Liên minh châu Âu vào Việt Nam và một số vấn đề đặt ra

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 6/2020

Kể từ giai đoạn đổi mới đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đóng góp vào thành công đó phải kể đến nguồn vốn FDI từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Thống kê cho thấy, EU hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 4, tham gia đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến. Bài viết đánh giá lại thực trạng vốn FDI của EU vào Việt Nam thời gian qua, đồng thời gợi ý một số vấn đề đặt ra cho thời gian tới.

Thực trạng thu hút FDI của EU vào Việt Nam

Thời gian qua, tình hình thu hút FDI của EU vào Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, thể hiện ở những nội dung sau:

- Về quy mô đầu tư: Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến năm 2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam. Hiện nay, có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước.

- Về các nhà đầu tư (NĐT): Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Vương quốc Anh đứng thứ 2, với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư. Pháp đứng thứ 3, với 563 dự án và 3,60 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,13% tổng vốn đầu tư. Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển).

- Về địa bàn đầu tư: Các nhà đầu tư (NĐT) EU hiện nay đã có mặt tại 54 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn với kết cấu hạ tầng phát triển, có cảng biển, sân bay như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...

- Về hình thức đầu tư: Phần lớn các dự án đầu tư của EU tại Việt Nam là 100% vốn nước ngoài. Hình thức liên doanh BOT, BT, BTO chiếm tỷ lệ nhỏ. Điều này dẫn tới tính liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, cũng như tác động, lan tỏa từ các doanh nghiệp (DN) FDI còn nhiều hạn chế.

- Về lĩnh vực đầu tư: Các NĐT EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. EU đã đầu tư vào 18/21 ngành theo hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo; Sản xuất, phân phối điện, khí, bất động sản, thông tin và truyền thông…

Triển vọng và thách thức

Về triển vọng

Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tiếp đó, ngày 8/6/2020, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, các động thái này mở ra cơ hội hợp tác toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn nữa giữa Việt Nam và EU, thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư. EVIPA cam kết đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho NĐT nước ngoài; không trưng thu, quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết cho phép NĐT tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài và các cam kết bảo hộ đầu tư khác…

Lũy kế đến năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam. Hiện nay, có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước.

Các DN FDI từ EU muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng giá trị, lợi thế của Việt Nam như nguồn nhân lực trẻ, nền kinh tế mở để xuất khẩu ngược trở lại, từ đó Việt Nam sẽ được nâng cao chất lượng nguồn vốn đầu tư.

Đặc biệt, với sự bảo hộ đầu tư tốt hơn qua các cam kết tại EVIPA, các NĐT EU sẽ có thêm lòng tin để đầu tư vào Việt Nam. Hiệp định EVFTA và EVIPA, có thể nói, sẽ là sự bảo đảm cho một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn cho các NĐT toàn cầu nói chung. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 21 nước thành viên EU.

Việc ký kết EVIPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các NĐT EU và tạo cơ hội tốt cho NĐT Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

Năm 2020, đánh dấu 30 năm Việt Nam và EU hợp tác. Trong khoảng thời gian đó, 2 bên chính thức thông qua 2 hiệp định kinh tế quan trọng tạo nên một làn sóng đầu tư mới từ thị trường EU vào Việt Nam.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, về mặt lý thuyết, các cam kết xóa bỏ thuế quan sẽ giúp gia tăng FDI từ các nước không tham gia FTA và tận dụng những ưu đãi mà các nước thành viên FTA dành cho nhau. Trong khi đó, đối với FDI nội khối, FTA có thể làm tăng FDI theo chiều dọc và giảm FDI theo chiều ngang. Tác động tổng thể của việc xóa bỏ rào cản thương mại, do đó phụ thuộc vào bản chất của FDI giữa hai bên. Áp dụng vào trường hợp EVFTA, Hiệp định kỳ vọng sẽ giúp gia tăng FDI từ các nước ngoài khối EU, tăng FDI theo chiều dọc và giảm FDI theo chiều ngang từ các nước EU vào Việt Nam.

FDI cũng có thể gia tăng trong các ngành dịch vụ được cam kết mở cửa sâu hơn so với cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời là thế mạnh của các nước EU như dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ máy tính, dịch vụ môi trường, giáo dục bậc cao, phân phối, viễn thông và y tế. Đồng thời, FDI từ EU cũng có thể tăng vào các phân ngành dịch vụ mà Việt Nam không cam kết trong WTO, nhưng lại cam kết trong EVFTA như dịch vụ hội chợ, triển lãm, dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ bảo hành và sửa chữa tàu biển, tàu thủy nội địa, máy bay, dịch vụ xếp dỡ công-ten-nơ hàng hải, dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa…

Về thách thức

Trên thực tế, sau hơn 30 năm thu hút FDI, Việt Nam chỉ thu hút được một khoản vốn còn khiêm tốn từ các nhà đầu tư châu Âu so với tiềm năng. Tỷ trọng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Lượng vốn FDI từ EU vào Việt Nam còn chưa ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng về vốn, công nghệ và kỹ thuật của các nhà đầu tư EU. Số lượng dự án FDI có quy mô lớn trong các lĩnh vực là lợi thế của các nước EU, đồng thời là lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm thu hút, như các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng... còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, trong số các quốc gia thành viên EU, chưa quốc gia nào đứng trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, mặc dù Pháp, Đức là những nước có đầu tư lớn ra nước ngoài. Cũng không quá nhiều DN lớn từ châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Cho đến nay, những cái tên được kể đến chủ yếu là Schneider Electric, Siemens, Ericsson, Bosch… Từ đầu năm tới nay, các DN châu Âu chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 400 triệu USD. 

Một số vấn đề đặt ra

Triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh hai bên đã ký kết Hiệp định EVFTA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam. FDI từ EU không chỉ đơn thuần bổ sung thêm vốn đầu tư mà còn có thể giúp Việt Nam tiếp cận và bắt kịp các xu hướng phát triển mới của thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề trong thu hút FDI từ EU. Theo Nguyễn Thị Minh Phương (2019), lợi thế trong thu hút FDI của Việt Nam đến từ việc sớm ký kết FTA với EU trong khi các nước cạnh tranh chính trong khu vực về thương mại và đầu tư chưa có FTA với EU có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, vì định hướng của cả ASEAN và EU là một FTA giữa hai khu vực. Khi EU tiếp tục đàm phán, ký kết FTA song phương với các nước ASEAN, lợi thế về thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại và đầu tư dành riêng cho Việt Nam sẽ không còn.

Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng triệt để khoảng “thời gian vàng” khi các nước ASEAN chưa có FTA với EU để tiếp cận, thâm nhập thị trường cũng như thu hút FDI từ các nước EU. Bên cạnh đó, dù triển vọng thu hút FDI từ EU trong bối cảnh 2 bên đã ký kết EVFTA, EVIPA là rất tích cực, hứa hẹn cải thiện chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực DN EU có thế mạnh như: công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… Tuy nhiên, đối với thu hút FDI chất lượng cao, Hiệp định EVFTA chỉ là yếu tố hỗ trợ, chứ không có tính quyết định đối với hoạt động đầu tư.

Trong bối cảnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam, trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, để tiếp tục thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI từ EU, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ. Đây là những yếu tố mà Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa nhằm thu hút dòng vốn có chất lượng tốt hơn trong tương lai như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính…

Hai là, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát chính sách về thu hút FDI, nhằm có các biện pháp cụ thể để sàng lọc FDI, khắc phục tình trạng "vốn mỏng", chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng", thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo dựng liên kết giữa DN trong nước và DN FDI.

Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài, để thu hút các nhà đầu tư EU theo hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao. Chú trọng xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao...

Ba là, tận dụng các sự kiện ngoại giao hoặc sự kiện ký kết thực thi 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA để tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư đến các NĐT lớn, có uy tín, có tiềm lực công nghệ, tài chính của EU.

Bốn là, một trong những vấn đề mà các NĐT EU quan tâm, nhất là trong lĩnh vực có liên quan đến công nghệ, là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Việt Nam cần rà soát Luật Sở hữu trí tuệ nhằm điều chỉnh phù hợp với các cam kết sâu hơn trong EVFTA và các FTA thế hệ mới khác, cũng như bảo đảm thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết nhằm tạo niềm tin đối với NĐT.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước nước ngoài đến năm 2030;
2. Nguyễn Thị Minh Phương (2019), Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam: Thực trạng và triển vọng, Tạp chí Cộng sản;
3. Long Vân (2020) Hiệp định EVIPA: “Đón lõng” sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế, Tạp chí điện tử Tài chính;
4. Việt Hoàng (2020), Triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Liên minh châu Âu vào Việt Nam, Tạp chí điện tử Tài chính;
5. Hoài Anh (2019), Thu hút FDI từ châu Âu: Kỳ vọng và thách thức từ Hiệp định EVIPA, Báo Hải quan điện tử.