Thu hút FDI 10 tháng của cả nước đạt 23,48 tỷ USD
Vốn điều chỉnh trong 10 tháng tăng do có dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Thái Lan và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,48 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 2.100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,8% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,71 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Vốn điều chỉnh trong 10 tháng tăng do có dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu của Thái Lan điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu Trung tâm đô thị tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Đối với góp vốn mua cổ phần, có 5.451 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 27,4% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 6,11 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ.
Cơ cấu giá trị góp vốn mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm so với cùng kỳ năm 2019, từ 37,1% trong 8 tháng năm 2019 xuống 26% trong 10 tháng năm 2020.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.
Theo đối tác đầu tư, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc),...
Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 528 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 294 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 226 dự án, Hongkong (Trung Quốc) đứng thứ tư với 164 dự án…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh, thành phố; trong đó, tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký; TP. Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư; TP. Hà Nội đứng thứ ba với 3,13 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư; tiếp theo lần lượt là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, thành phố Hải Phòng,…
Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 776 dự án; TP. Hà Nội đứng thứ hai với 438 dự án; tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba và 125 dự án…
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 147,97 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ, chiếm 64,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 146,52 tỷ USD, bằng 97,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 64% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt gần 117,56 tỷ USD, bằng 97% so cùng kỳ và chiếm 55,8% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù, giảm so với cùng kỳ, song tính chung khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu 30,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 30 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 12,2 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 18,2 tỷ USD.