Vốn FDI Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn do Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc sẽ gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Hàn Quốc vào Việt Nam trong ngắn hạn.
Vị thế dẫn đầu
Vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), năm 2019 Việt Nam thu hút 38,02 tỷ USD vốn FDI, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 7,92 tỷ USD, chiếm tới 20,8% tổng vốn đầu tư.
Một trong những dự án tiêu biểu của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2019 là Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD (tương đương khoảng 9.600 tỷ đồng). Dự án được thực hiện trên tổng diện tích đất 125 ha (trong đó 22,5 ha là diện tích hồ điều hòa do TP. Hà Nội đầu tư).
Ngoài ra, Dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD. Dự án này được khởi công vào tháng 6/2016, tổng vốn đầu tư đăng kí 1,5 tỷ USD do Tập đoàn LG Displays (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư.
Nói tới doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam không thể không kể tới Samsung. Tính tới cuối năm 2019, Samsung Việt Nam cho biết, đã giải ngân 94% trong tổng số vốn đăng ký với Chính phủ Việt Nam là 17,3 tỷ USD. Hiện tập đoàn này có 3 cơ sở ở Việt Nam là Thái Nguyên, Bắc Ninh và TP. HCM, trong đó cơ sở ở Thái Nguyên là nhà máy rộng nhất với 60.000 công nhân.
Ngoài ra, cuối tháng 2/2020, Samsung dự kiến khởi công xây dựng Trung tâm R&D với quy mô không gian làm việc cho 3.000 người ở Đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) và là cơ sở R&D lớn nhất Đông Nam Á của mình.
Cũng tương tự, nếu nhìn vào các dự án quy mô lớn mà Posco, Hyundai, Lotte… đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án này đã tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Hàng chục nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD đã theo chân Samsung, LG để đặt đại bản doanh tại Việt Nam.
Hàn Quốc đang ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, với lý do không chỉ vì số lượng vốn lớn, mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam.
Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, bất động sản đến tài chính ngân hàng, startups đến cổ phần hóa DNNN, logistics đến dịch vụ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, xuất khẩu, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là những đối tác chiến lược của những Tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Kebhanabank sở hữu 15% cổ phần BIDV, SK sở hữu 6% cổ phần của Vingroup... Đây không chỉ là những dự án hợp tác để tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn mở ra một chương mới, khi doanh nghiệp hai nước cùng hướng đến thị trường khu vực và thế giới. Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019.
FDI Hàn Quốc có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu… phát triển.
Trong lĩnh vực công nghiệp, sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, LG (lĩnh vực công nghiệp chế tạo), Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco (lĩnh vực công nghiệp nặng và đóng tàu) đã có tác động quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển; đặc biệt là các lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện - điện tử, dệt may - da giày…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, FDI Hàn Quốc cũng đã đạt được những thành tựu nhất định, bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành nông nghiệp, góp phần bước đầu thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống bằng các phương thức sản xuất mới quy mô lớn hơn, tiếp thu và áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của hàng hóa nông lâm thủy sản, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều địa phương, nhất là các dự án có đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu.
Lĩnh vực xuất – nhập khẩu, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu, giúp chúng ta từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch từ đa phần xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm nông lâm thủy sản sơ chế và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng điện tử, cơ khí chế tạo, nông lâm thủy sản chế biến sâu và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.
Vốn FDI của Hàn Quốc tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU…; đồng thời, còn góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường nội đại các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất thay vì phải nhập khẩu như trước đây.
Ngoài ra, nhờ có sự hiện diện của doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã làm gia tăng sự quan tâm của người dân Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ trẻ, về thiên nhiên, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam. Việt Nam đã trở thành điểm đến được nhiều người dân Hàn Quốc lựa chọn ở Đông Nam Á, qua đó thúc đẩy ngành du lịch trong nước phát triển. Những năm gần đây, Hàn Quốc trở thành một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam.
Bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng không đáng ngại
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong 2 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 425,4 triệu USD, chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư, giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ năm 2019 (873 triệu USD chiếm 10,3%).
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, xu hướng nhiều năm qua, nhà đầu tư tại Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Theo quy luật này, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam tại quốc gia Đông Á này vẫn sẽ tăng trưởng là tất yếu.
"Tuy nhiên, qua số liệu của 2 tháng đầu năm 2020 trùng với thời điểm xảy ra dịch Covid-19, dòng vốn FDI bị ảnh hưởng là không tránh khỏi. Vấn đề dịch chỉ là đột xuất, tạm thời, dòng vốn FDI bị chậm lại nhưng chỉ trong ngắn hạn", ông Liêm nói.
Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT), Hàn Quốc là đối tác thương mại, du lịch của Việt Nam trong thời gian qua. Trong chiến lược hướng nam của Hàn Quốc, Việt Nam là địa điểm mà đất nước Đông Á quan tâm, thể hiện rõ ràng ở việc Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất có nguồn vốn FDI vào Việt Nam.
Theo TS. Võ Trí Thành, dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Hàn Quốc như dòng luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, con người bị ách tắc và ngưng trệ. Tiếp đó, các nhà máy sản xuất bị đóng cửa, những trung tâm thương mại, siêu thị, khu chợ vốn nhộn nhịp trở nên vắng lặng do bị bao trùm bởi nỗi lo bệnh dịch ảnh hưởng đến Hàn Quốc.
“Về nguồn vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào công tác chống dịch của Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu cải cách kinh doanh của nước mình tốt, công tác khống chế dịch bệnh cộng với nền móng có sẵn thì việc đón nhận một luồng sóng các tập đoàn kinh tế lớn tại Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam xây dựng nhà máy để sản xuất kinh doanh là điều hoàn toàn có thể trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nước họ đang có diễn biến phức tạp”, TS. Võ Trí Thành nhận định.