Vốn lớn “đè” ngân hàng nhỏ

Theo InfoTV, nhipcaudautu

ình hình huy động vốn khó khăn khiến áp lực tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng trong năm nay đè nặng lên vai của các ngân hàng nhỏ.

Để tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng trong năm nay theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP, các ngân hàng nhỏ đã lên kế hoạch phát hành một lượng cổ phiếu lớn ra thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh chứng khoán còn xập xình, phát hành thành công là chuyện không dễ, dù giá cổ phiếu phát hành thêm chỉ bằng mệnh giá 10.000 đồng. Trong khi đó, một số cổ đông lớn cho biết không có ý định rót thêm vốn vào các ngân hàng nhỏ.
Chạy nước rút
Đến nay, vẫn còn 22 ngân hàng thương mại cổ phần và 1 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long - MHB) có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng. Trong đó, có 8 ngân hàng có vốn 1.000 tỉ đồng. Các ngân hàng này đều đang chạy nước rút để hoàn tất nộp hồ sơ xin tăng vốn điều lệ trước thời hạn 30.6.2010.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM cho biết, các ngân hàng hoạt động trên địa bàn có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng hiện đã trình hồ sơ tăng vốn lên cơ quan này. Trong đó, có 3 ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng là GiaDinh Bank, Western Bank, Navibank. Số ngân hàng còn lại có vốn điều lệ từ 1.500 tỉ đồng trở lên như HDBank (1.550 tỉ đồng), VietA Bank (hơn 1.600 tỉ đồng).

Trong khi đó, MeKong Bank cho biết, hồ sơ tăng vốn của Ngân hàng đã được trình lên Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang. MeKong Bank hiện có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Một trong những cổ đông lớn của MeKong Bank là Maritime Bank, với tỉ lệ cổ phần nắm giữ (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước) là 11%.

Trong kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng trong năm nay, Mekong Bank sẽ phát hành 20-30% vốn điều lệ tăng thêm cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Phần còn lại MeKong Bank sẽ bán cho cổ đông hiện hữu, với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Cũng nằm trong nhóm 8 ngân hàng có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, VietBank cho biết sẽ trình hồ sơ lên Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Sóc Trăng - nơi Ngân hàng đặt trụ sở chính - trước ngày 30.6. Song so với các ngân hàng khác, VietBank hiện có một số cổ đông tương đối nặng ký là Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu...

Theo ông Đỗ Công Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietA Bank, hồ sơ xin tăng vốn từ 1.631 tỉ đồng hiện nay lên 3.000 tỉ đồng đã được trình lên Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM và đang chờ xét duyệt. Sau khi được chấp thuận, VietA Bank sẽ hoàn tất thủ tục gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để xin phát hành cổ phiếu tăng vốn. VietA Bank cũng có ý định niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM sau khi hoàn tất tăng vốn nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu.

Các ngân hàng còn lại có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng gồm Navibank, Western Bank, GiaDinh Bank, PGBank, Ficombank cũng đã hoàn thiện hồ sơ xin tăng vốn vào giữa tháng 6.2010.

Chướng ngại vật

Để có thể hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp không ít khó khăn vì thị trường chứng khoán còn xập xình và cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn giới đầu tư như trước.

Cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ đang được giao dịch trên sàn OTC chỉ cao hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu một chút. Giá cổ phiếu phát hành thêm trong kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng cũng không cao hơn mệnh giá. Mặc dù vậy, nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà.

Nhằm nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, một số ngân hàng đã lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán và đã được cấp phép như Western Bank và Navibank. Thế nhưng, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường, việc niêm yết của hai ngân hàng này vẫn tiếp tục bị trì hoãn sau nhiều lần thông báo ngày dự kiến lên sàn.

Khó càng thêm khó khi ngày 15.6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo lần 1 Thông tư hướng dẫn việc tổ chức tín dụng cổ phần đăng ký niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Và điều kiện để được chấp thuận niêm yết là phải đáp ứng được giá trị thực có của vốn điều lệ tại thời điểm đề nghị tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Theo dự thảo lần 1, thời điểm ban hành Thông tư là năm 2010. Điều này có nghĩa, ngân hàng phải đáp ứng mức vốn pháp định trong năm 2010 thì Ngân hàng Nhà nước mới xét cho niêm yết cổ phiếu.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc phải đáp ứng mức vốn tối thiểu 3.000 tỉ đồng cuối năm nay sẽ tạo áp lực không nhỏ cho các ngân hàng, nhất là những ngân hàng chưa có cổ đông chiến lược lớn đứng phía sau.

Một số cổ đông lớn đang nắm giữ cổ phần tại các ngân hàng nhỏ cũng có ý định rút lui và không rót thêm vốn cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng thêm trong năm nay. Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết đang tính đến việc giảm tỉ lệ sở hữu trong GiaDinh Bank từ 19% xuống còn khoảng 11% theo quy định. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vốn nắm giữ 11% cổ phần trong Navibank, cũng xem xét lại việc rót thêm vốn vào Navibank khi ngân hàng này phát hành tăng vốn.

Tuy nhiên, khi trả lời với báo giới thời gian gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là không gia hạn lộ trình tăng vốnđiều lệ của các ngân hàng, vì Nghị định 141 đã được ban hành từ năm 2006, tức các ngân hàng đã có 4 năm để chuẩn bị