Vốn tín dụng chính sách xã hội: Tiếp sức cho nông dân xóa đói, giảm nghèo

Theo Hà Nội mới

(Tài chính) Với đối tượng hỗ trợ chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó 85% là dân cư khu vực nông thôn, mỗi đồng vốn tín dụng chuyển tải qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thời gian qua đều mang ý nghĩa thiết thực góp phần vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM).

 Vốn tín dụng chính sách xã hội: Tiếp sức cho nông dân xóa đói, giảm nghèo
Một hộ gia đình tại huyện Ba Vì được vay vốn để phát triển kinh tế. Nguồn: Hanoimoi.com.vn
Về xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), hỏi gia đình ông Trần Văn Toàn ai cũng biết. Gia đình ông có 4 con đang tuổi ăn tuổi học nhưng chỉ có mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp gia đình ông Toàn có vốn đầu tư chăn nuôi lợn, gà để nuôi các con ăn học. Hiện NHCSXH huyện Ba Vì đang xem xét cho gia đình ông Toàn vay thêm vốn để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là một trong hàng nghìn hộ nghèo ở huyện Ba Vì vươn lên thoát nghèo nhờ đồng vốn của NHCSXH.

Theo ông Đoàn Việt Dũng, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì, vốn ưu đãi của đơn vị tập trung chủ lực vào các chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số... Đặc biệt, nguồn vốn dành cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm 1 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM.

Thực tế, Ba Vì là huyện miền núi, kinh tế khó khăn, toàn huyện hiện còn 6.085 hộ nghèo, chiếm 9,78%, ngoài ra còn có 4.980 hộ cận nghèo. Ngay tại xã điểm NTM Cổ Đô, số hộ nghèo hiện vẫn còn chiếm 5,83%, số cận nghèo là 3,31%. Để đạt tiêu chí giảm hộ nghèo xuống dưới mức 2,5% luôn là một thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Với vai trò là "bà đỡ" chiến lược cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH Huyện đã đẩy mạnh các chương trình tín dụng hỗ trợ nông dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Có thể nói, thời gian qua, đồng vốn của NHCSXH TP. Hà Nội đã đóng góp đáng kể vào chương trình xây dựng NTM ở các địa phương. Theo bà Đỗ Thanh Hiền, Phó Giám đốc NHCSXH Thành phố: Ước tính đến ngày 31/5/2013, vốn tín dụng của NHCSXH đầu tư cho khu vực nông thôn của thành phố đạt trên 3.000 tỷ đồng, với 240 nghìn khách hàng thuộc dư nợ của 10 chương trình tín dụng chính sách. Tính riêng trên địa bàn 19 xã điểm xây dựng NTM đã có 13.475 hộ gia đình được vay vốn với số tiền 183 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo 52,2 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 18 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 35,2 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động… là 75,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống là một tiêu chí không thể thực hiện trong một sớm một chiều, bởi đối tượng nghèo rất dễ bị tổn thương, dễ tái nghèo trở lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, với tiêu chí về vệ sinh môi trường, hạn mức cho vay còn rất thấp, mới chỉ đạt 8 triệu/hộ, rất khó cho việc đầu tư nâng cấp để thực hiện tiêu chí "có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn"… Hiện toàn huyện Ba Vì mới có 3.500 hộ được vay vốn chương trình nước sạch vệ sinh môi trường (dư nợ 25 tỷ đồng), chỉ đáp ứng được 1/3 số hộ có nhu cầu. Vì vậy, để đạt được tiêu chí về hộ nghèo và tiêu chí về nước sạch vệ sinh môi trường trong xây dựng NTM đối với nhiều xã trên địa bàn huyện Ba Vì nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung là hết sức khó khăn.

Để góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM, Phó Giám đốc NHCSXH Thành phố Đỗ Thanh Hiền cho rằng, cần huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ nông dân vay vốn từ các địa phương. Thực tế, để hiện thực hóa chủ trương đó, trong những năm qua, Thành phố đã quan tâm dành nguồn vốn khá lớn từ ngân sách thành phố chuyển sang NHCSXH để cho vay. Đến nay, tổng nguồn vốn nhận ủy thác của NHCSXH đã lên đến 903 tỷ đồng, triển khai trên cả 29/29 quận, huyện, thị xã để cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo làm nhà ở... Đây là động lực quan trọng giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, chung tay góp sức cùng chính quyền xây dựng NTM thành công.