Phát triển công ty tài chính:

Vốn tín dụng sẽ đến đúng địa chỉ

PV.

Trao đổi với phóng viên, TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc phát triển các công ty tài chính tiêu dùng sẽ giúp giải quyết nhu cầu vốn cho toàn xã hội cũng như giúp người vay vốn nhưng không đủ điều kiện, được tiếp cận với nguồn tín dụng tại các tổ chức tài chính tin cậy.

Thời gian gần đây, sự xuất hiện của các Công ty tài chính (CTTC) đã giúp nhiều người dân có thu nhập trung bình được vay vốn với điều kiện khá “mở”. Ông bình luận gì về điều này?

Vốn tín dụng sẽ đến đúng địa chỉ - Ảnh 1

TS. Cao Sĩ Kiêm

Những năm gần đây, sự góp mặt của các CTTC đã khiến thị trường cho vay tiêu dùng trở nên sôi động hơn. Với khách hàng mục tiêu là những người dân có thu nhập trung bình, các CTTC cũng đã đưa ra những điều kiện khá thuận lợi so với yêu cầu vay vốn tại ngân hàng nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay.

Tuy nhiên, do cho vay không cần tài sản thế chấp, phải đối mặt với tỷ lệ rủi ro cao nên lãi suất cho vay của các CTTC có sự khác biệt hoàn toàn so với lãi suất cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi nếu so sánh với một số quốc gia trên thế giới, lãi suất cho vay tiêu dùng đều cao hơn lãi suất cho vay thông thường.

Nguyên nhân là do khách hàng của các CTTC là những đối tượng vay dưới chuẩn của các ngân hàng, họ không có đủ điều kiện để được vay vốn tại ngân hàng bởi tỷ lệ rủi ro với những khoản vay của họ luôn ở mức cao, giá trị khoản vay nhỏ. Hơn nữa, do chi phí đẩy mạnh hoạt động cho vay của các CTTC có những đặc thù riêng và khá tốn kém nên lẽ đương nhiên, lãi suất của các tổ chức này thường cao hơn.

Nhiều khách hàng gần đây cũng cho rằng, lãi suất tại các CTTC khá cao trong khi lý giải của bên cho vay là chi phí vốn cao nên phải cho vay với lãi suất cao. Vậy, liệu điều này có hợp lý không, thưa ông?

Như tôi đã phân tích ở trên, các CTTC cho vay tiêu dùng với các khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng nên tỷ lệ rủi ro sẽ cao hơn rất nhiều. Chính vì lý do này, nên lãi suất cho vay tại CTTC phải cao hơn.

Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng nên nhìn nhận về vấn đề này và cho phép các CTTC được thực hiện lãi suất theo thỏa thuận với khách hàng. Việc phát triển các CTTC cũng là hướng giải quyết nguồn vốn cho toàn xã hội và đưa nguồn vốn vay tới đúng địa chỉ cần vay.

Thực tế hiện nay, nhiều người muốn vay vốn ngân hàng song không vay được do không đủ tiêu chuẩn. Nay các CTTC phát triển rồi và đã được phép cho vay tiêu dùng thì nên tách đối tượng này ra khỏi các tiêu chí quản lý của các ngân hàng thương mại. Đồng thời cũng nên đặt ra quy định về việc ngân hàng phải có CTTC thì mới được cho vay tiêu dùng.

Theo quan điểm của ông, cơ quan chức năng mà ở đây là Ngân hàng Nhà nước cần có những hành động gì để hỗ trợ thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, từ đó giải quyết vốn vay cho toàn xã hội?

Tôi thiết nghĩ, để thị trường này phát triển, cần sớm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các định chế tài chính trong việc phổ biến tuyên truyền kiến thức và thông tin về tín dụng tiêu dùng.

Mục đích của việc tuyên truyền này là giúp người dân cần vay vốn hiểu được việc tín dụng tiêu dùng phát triển sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để hạn chế “tín dụng đen”, đồng thời là phương thức hữu hiệu đa dạng hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Xin cảm ơn ông!