Vòng xoáy thương chiến: Mỹ cần cứu cả Hàn Quốc và Nhật Bản
Đang bùng nổ một cuộc chiến thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản với nguyên nhân là những thù hằn trong quá khứ. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho 2 nước mà với cả đồng minh thân cận của họ là nước Mỹ. Vậy, Washington cần làm gì để cứu vãn tình hình?.
Kể từ cuối năm ngoái, một cuộc xung đột đã chậm rãi bùng lên giữa 2 đồng minh Châu Á thân cận nhất của Mỹ. Năm 2018, tòa án tối cao Hàn Quốc đã xử thắng kiện cho 12 nguyên đơn đòi bồi thường thiệt hại từ những công ty Nhật Bản đã sử dụng lao động khổ sai người Hàn Quốc trong Thế Chiến II. Kể từ đó, mối quan hệ hai nước dần đi xuống.
Mối bất hòa trong quá khứ
Hiện, Nhật Bản sẵn sàng để loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" các nước đáng tin cậy để buôn bán các vật liệu, hóa chất quan trọng - một quyết định sẽ phương hại tới nền kinh tế của cả 2 nước và gây ảnh hưởng tới những kênh cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật bản - Thỏa thuận tạo điều kiện hợp tác về an an ninh giữa 2 đồng minh chính của Mỹ.
Seoul và Tokyo đã có tranh chấp trong quá khứ, nhưng mối thù hiện tại của họ có hệ quả nghiêm trọng với những lợi ích của Mỹ tại Châu Á. Không được giải quyết, căng thẳng Nhật - Hàn có thể không chỉ gây hại tới nền kinh tế thế giới mà còn hủy hoại những chính sách của chính quyền tổng thống Trump với Triều Tiên và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nhưng, Nhà Trắng cho thấy vẫn có rất ít mong muốn làm trung gian hòa giải tranh chấp này. Tiếp tục bàng quan sẽ là một sai lầm lớn. Chiến lược của Mỹ tại Châu Á phụ thuộc vào quan hệ cộng tác 3 bên với Nhật và Hàn. Mỹ cần ưu tiên việc giải quyết mối bất hòa giữa hai đồng minh.
Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là những địch thủ. Họ có nền dân chủ và là hai nước láng giềng phát triển với những liên kết về kinh tế sâu sắc, những đe dọa chung bên ngoài, đồng thời là đồng minh thân cận với Mỹ. Nhưng mặc dù Seoul và Tokyo đã bình thường hóa quan hệ từ năm 1965, một mối quan hệ đối tác ổn định vẫn chưa thể đạt được vì quá khứ đen tối giữa hai nước.
Nhật Bản đã biến Triều Tiên thành thuộc địa từ năm 1910 cho tới 1945. Trong Thế chiến II, Nhật đã bắt dân Triều Tiên làm khổ sai và nô lệ tình dục. Hàn Quốc cảm thấy Nhật Bản có rất ít sự ăn năn cho những hành động trong quá khứ của mình, Trong khi đó, Nhật chống lại đòi hỏi về việc xin lỗi và sửa lại những gì được coi là vô hạn độ.
Sự bất hòa hiện tại bắt đầu vào mùa thu năm ngoái. Tòa án tối cao Hàn Quốc đã thụ lý vụ án từ tòa án cấp dưới yêu cầu các công ty Nhật Bản phải trả khoảng 90.000 USD cho mỗi người trong số 12 nạn nhân tuyên bố họ đã phải làm lao động khổ sai. Phiên tòa sau đó tuyên bố toàn bộ hành động của Nhật Bản thời kỳ thực dân là "phi pháp". Chính phủ Nhật Bản bác bỏ những phán quyết này.
Vào năm 1965, hai nước đã ký Hiệp ước về Quan hệ Cơ bản giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, và một thỏa thuận đi kèm. Trong những điều khoản của hiệp ước, Nhật cung cấp cho Hàn Quốc một khoản 500 triệu USD tiền vay và trợ cấp - điều mà theo quan điểm của Nhật thì "hoàn toàn và kết thúc" giải quyết tất các các câu hỏi về sự bồi thường. Kết quả là Tokyo đã thúc giục các công ty Nhật phớt lờ các phán quyết của tòa án.
Các luật sư bên nguyên đã đòi hỏi tòa án Hàn Quốc phải phong tỏa tài sản của những công ty Nhật trên đất Hàn. Vào tháng 1, một tòa án quận đã phong tỏa tài sản của một nhà sản xuất thép của Nhật nhưng vẫn chưa rao bán số tài sản này.
Tranh chấp về pháp lý xảy ra ngay sau khi tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in đưa ra một quyết định gây tranh cãi. Quay trở lại năm 2015, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thiết lập mộ tổ chức chung là một phần của thỏa thuận song phương về vấn đề "những người phụ nữ mua vui" - phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục bởi quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II. Nhật Bản đã đóng góp 9 triệu USD cho tổ chức này, và coi số tiền là để bồi thường cho những nạn nhân còn sống cùng gia đình họ.
Nhưng thỏa thuận này không được ủng hộ tại Hàn Quốc và bị làm hỏng bởi tổ chức của nó với người tiền nhiệm của ông Moon là bà Park Geun-hye. Tháng 11/2018, ông Moon tuyên bố quyết định đóng cửa tổ chức này. Hàn Quốc đã xem xét lại và quyết định rút khỏi thỏa thuận về "những người phụ nữ mua vui" đầu năm 2018.
Nhưng việc phớt lờ lời kêu gọi của Nhật Bản rằng không đóng cửa tổ chức trên đã hủy hoại uy tín với Tokyo, mà hiện tại gây nên quan ngại rằng mọi thỏa thuận song phương giữa hai nước sẽ bị hủy bỏ.
Đầu năm nay, Nhật Bản đã đe dọa sẽ đáp trả Hàn Quốc bằng cách cắt visa của công dân nước này và tăng thuế cho các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. Tiếp theo, vào tháng 7, thủ tướng Nhật, Shinzo Abe tuyên bố ý định của ông sẽ cấm xuất khẩu 3 loại chất hóa học mà các công ty Hàn Quốc cần để sản xuất chất bán dẫn cho màn hình và điện thoại di động.
Thêm nữa, ông còn đe dọa sẽ loại bỏ Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" trong các nước phải đối mặt với những hạn chế thương mại tối thiểu nhất của Nhật.
Tokyo viện dẫn tới những lý do về an ninh quốc gia cho những động thái của mình nhưng Seoul gọi đây là "hành động trả đũa về mặt kinh tế" vì những phán quyết của tòa án tối cao. Và vào 19/7, Hàn Quốc đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Ngoài ra, Hàn Quốc đang thề sẽ tìm các đối tác xuất khẩu mới và giảm sự phụ thuộc về các sản phẩm công nghệ cao của Nhật Bản.
Căng thẳng ngoại giao tăng cao
Những rạn nứt về mặt ngoại giao đã châm ngòi cho những bức xúc của công chúng ở cả 2 quốc gia, khiến cho cả 2 chính phủ rất khó để lui bước. Khoảng 2/3 người dân Hàn Quốc ủng hộ động thái tảy chay các sản phẩm, việc giao thương và du lịch của Nhật Bản.
Hơn 80% người Hàn không tin cậy ông Abe. Tại Nhật Bản, một cuộc thăm dò cho thấy 71% người dân Nhật ủng hộ những lệnh cấm xuất khẩu của ông Abe trong khi chỉ có 17% chống lại chúng.
Các nhà bình luận Nhật đã loan rộng thông tin về "sự mệt mỏi Triều Tiên" - đó là cảm tưởng về việc các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã dùng những bất cập trong quá khứ của 2 nước để dành được thắng lợi về chính trị.
Thậm chí, trước những tranh chấp xảy ra trong hè năm nay, một cuộc điều tra dư luận cho thấy gần một nửa số người trả lời giữ quan điểm tiêu cực với Hàn Quốc. Trong số đó, gần 70% nói quan điểm tiêu cực của họ là do việc Seoul tiếp tục chỉ trích Nhật Bản về quá khứ.
Trong quá khứ, cộng đồng doanh thương Nhật - Hàn đã giúp xoa dịu căng thẳng về lịch sử và lãnh thổ. Nhưng hiện tại, các doanh nhân và lãnh đạo chính trị Hàn Quốc đang tập trung chống lại động thái của Tokyo, và ông Moon đã khuyên các công ty chuẩn bị để làm việc mà không sử dụng các sản phẩm công nghệ của Nhật.
Trong khi đó, ông Abe kêu gọi quốc gia thống nhất để đối mặt với thiệt hại kinh tế tiềm tàng như thất thu của những nhà xuất khẩu Nhật Bản. Ông có thể đạt được mục tiêu này vì các công ty Nhật sợ tòa án tối cao Hàn Quốc sẽ mở đường cho những tuyên bố đòi bồi thường của Hàn Quốc. Tới nay, hơn 1.300 nguyên đơn đã đệ đơn tới 20 tòa Hàn Quốc chống lại 70 công ty Nhật, trong đó nhiều trường hợp đã kiện từ thu năm ngoái.
Washington có thể làm gì?
Mỹ nên quan ngại về mối thù truyền kiếp Nhật - Hàn. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ, cho thấy tầm quan trọng của những nhà sản xuất điện tử của Hàn Quốc với kênh cung ứng toàn cầu. Nhưng mối nguy lớn hơn là sự tiêu chuẩn hóa việc sử dụng chính sách thương mại để giải quyết những tranh chấp ngoại giao.
Washington nên phản đối những lệnh cấm xuất khẩu và tảy chay, đồng thời khuyến khích cả 2 bên dàn xếp về bồi thường chiến tranh. Nhưng không may, việc tổng thống Mỹ Donald Trump đang sử dụng chiến tranh thương mại làm vũ khí khiến cho ông có rất ít uy tín trong vấn đề này.
Không thể không giải quyết rạn nứt giữa Seoul và Tokyo, bởi điều này có thể gây ảnh hưởng tới chính sách và chiến lược của Mỹ với Triều Tiên. Mọi thỏa thuận thành công của Washington với Bình Nhưỡng đều cần Nhật - Hàn hợp tác với Mỹ, và Mỹ đều cần mỗi bên với các vấn đề như khi phải đẩy mạnh việc trừng phạt Triều Tiên.
Việc Seoul đe dọa rút khỏi thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo sẽ gây ra vấn đề lớn. Vì sự mất hợp tác về tình báo trong vùng Đông Á sẽ gây ra ảnh hưởng với việc theo dõi những mối đe dọa như việc thử tên lửa của Triều Tiên, khiến Mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Nhật - Hàn là những chiếc neo mạnh mẽ nhất trong hệ thống đồng minh của Mỹ tại Châu Á. Nếu họ không thể làm việc cùng nhau và đưa ra một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc và Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ có một cơ hội vàng để gia tăng ảnh hưởng khu vực, còn Bình Nhưỡng có thể khai thác sự chia rẽ giữa các đối tác của Mỹ.
Bởi lý do này, giải quyết tranh chấp giữa hai đất nước sẽ phải là ưu tiên ở mức độ cao của chính quyền tổng thống Trump nhằm theo đuổi chiến lược lớn hơn để "giữ gìn sự ổn định và thịnh vượng" đồng thời thúc đẩy "trật tự dựa trên luật pháp" tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chính quyền của ông Trump đã gửi đi những tín hiệu hỗn hợp về những ý định của mình. Đầu tháng 7, đại sứ Mỹ tại Seoul đã thúc giục Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết những bất cập giữa hai nước. Vài tuần sau, ông John Bolton và các quan chức cấp cao khác đã bay tới Châu Á nhưng lại không xác định được vị trí của Mỹ trong vấn đề Nhật - Hàn.
Thay vào đó, ông Bolton đã bàn về việc hợp tác trong vấn đề an ninh gần Iran và việc Tokyo và Seoul phải cống hiến nhiều hơn trong quan hệ đồng mình với Mỹ.
Việc hạ nhiệt căng thẳng cần sự lãnh đạo và nỗ lực duy trì từ Seoul và Tokyo. Nhưng Washington cũng có thể giúp đỡ để thực hiện điều này. Như trong quá khứ, họ có thể đứng sau và không chọn phe nào.
Đặc biệt, Mỹ có thể thúc giục Seoul đồng ý để dàn xếp những tuyên bố đòi bồi thường một cách trung lập, làm trọng tài thuộc bên thứ 3 và khuyên Nhật không nên áp đặt cấm vận thương mại.
Ông Trump đã luôn bày tỏ sự hoài nghi về các đồng minh của Mỹ, nhưng ông nên nhận thức được chiến lược của Mỹ ở Đông Á phải dựa vào việc Nhật - Hàn có thể tiếp tục quan hệ hợp tác. Việc từ bỏ vai trò của mình trong quan hệ hợp tác sẽ gây hại cho Mỹ nhiều hơn đồng minh của họ.