"Bom thuế" 300 tỷ USD: Mỹ - Trung lên đỉnh căng thẳng!
Tổng thống Trump đột ngột leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc sau quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhậu khẩu còn lại của Bắc Kinh.
Thời điểm mức thuế này có hiệu lực là ngày 1/9 và nó có thể "vượt xa" so với mức 25% hiện nay với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Danh sách chịu thuế mới có thể bao gồm hàng loạt mặt hàng, từ máy tính xách tay, điện thoại thông minh tới quần áo trẻ em. Nếu điều này trở thành hiện thực, gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đều đã bị đánh thuế.
Có thể thấy, Tổng thống Trump đã không hài lòng khi Trung Quốc đã không đưa ra những lời hứa cụ thể trong về viêc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trong cuộc đàm phán vừa qua, điều mà ông tin là đã được thống nhất khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Nhật Bản.
Sau đó Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng rằng, ông vẫn có thể áp dụng mức thuế lên tới 25%, như trước đây ông từng đe dọa, thậm chí cao hơn. "Mức thuế có thể được nâng lên theo từng giai đoạn. Vì vậy chúng tôi bắt đầu ở mức 10% và có thể được nâng lên vượt quá 25%. Nhưng chúng tôi không mong muốn làm điều đó".
Việc ông Trump đánh thuế hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. "Cộng đồng doanh nghiệp đã rất ngạc nhiên trước thông báo về mức thuế mới của Tổng thống", Doug Barry, giám đốc truyền thông của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung cho biết.
Mức thuế bất ngờ mà Tổng thống công bố đã đưa tranh chấp thương mại giữa hai nước đến bờ vực hiểm nguy hơn. Mặc dù mức giá thực tế của hành động này về mặt kỹ thuật chỉ là 30 tỷ USD, tương đương khoảng 0,14 điểm phần trăm GDP, nhưng thiệt hại về mặt tâm lý có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Các chiến lược gia của Morgan Stanley cho biết, nếu được thực hiện, đợt thuế mới này sẽ góp phần làm giảm tăng trưởng và có thể nhanh chóng đẩy Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái khi khoảng 68% hàng hóa tiếp theo bị đánh thuế là hàng tiêu dùng và ô tô, linh kiện, những mặt hàng có nhiều khả năng tác động ngay đến nền kinh tế.
Với tác động cụ thể hơn, các chuyên gia cho biết, thuế quan mới có thể làm tăng lạm phát và giảm thu nhập và chi tiêu mua sắm của người dân trong ngắn hạn. Trên thực tế, các nghiên cứu kinh tế cho thấy người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng đang chịu sức ép của thuế quan chứ không phải Trung Quốc hay các nhà nhập khẩu nước ngoài khác.
Báo cáo kinh tế của Nhà Trắng được công bố vào tháng 3 năm nay cũng thừa nhận rằng bất kỳ lợi ích nào từ thuế quan đều được bù đắp bằng việc người tiêu dùng tăng chi tiêu do giá cả hàng hóa tăng cao và giảm tiêu thụ. Bên cạnh đó, sự leo thang căng thẳng sẽ gia tăng áp lực lên nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu trong môi trường tăng trưởng đang giảm tốc ở Mỹ, khu vực đồng euro và Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp trả đũa dưới một số hình thức bao gồm gia tăng áp lực đối với các công ty Mỹ hoạt động tại đây. Cùng với đó, ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc dự đoán, trước mắt, Trung Quốc sẽ áp mức thuế quan mới đối với hàng hóa nông sản của Mỹ và những nông dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
"Từng là thị trường lớn nhất của nông dân trồng đậu nành Mỹ, nhưng Trung Quốc đã ngừng mua sản phẩm của Mỹ vào mùa hè năm ngoái để trả đũa thuế quan của Tổng thống Trump. Điều này đã dẫn đến lượng đậu nành Mỹ tồn kho đạt mức kỷ lục vào cuối năm 2018 và hứa hẹn gia tăng vào cuối năm 2019 nếu Trung Quốc trả đũa", chuyên gia này nhận định.