Vụ bị tố nhận hối lộ 80 triệu Yen: Có thể khởi tố ngay
(Tài chính) Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Đình Quyền, khẳng định một công ty của Nhật thừa nhận hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam là “thông tin tố giác tội phạm” và Bộ Công an có thể khởi tố vụ án ngay.
Ngày 23/3, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết ngay sau khi nắm được thông tin đăng tải trên tờ báo The Yomiuri Shimbun của Nhật cho rằng Công ty Tư vấn Giao thông Nhật (JTC) hối lộ quan chức 3 nước, trong đó một lãnh đạo ngành đường Việt Nam được “lại quả” 80 triệu yen (khoảng hơn 16 tỉ đồng) để trúng thầu dự án ODA, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các hợp đồng liên quan đến đơn vị này.
Lộ dự án bị tố
Theo thông cáo báo chí tối 23/3, Bộ GTVT cho biết Báo The Yomiuri Shimbun đã đưa tin Công ty JTC đã phải chi bất hợp pháp 100 triệu yen cho các cán bộ và một số đối tượng khác ở nước thứ ba gồm Indonesia, Uzbekistan và Việt Nam từ năm 2008 đến 2012 để được tham gia thực hiện các dự án ODA. Đối với Việt Nam, dự án bị tố giác là Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi, Yên Viên), vốn vay ODA của Nhật Bản mà Công ty JTC là nhà thầu. Dự án này được Thủ tướng phê duyệt năm 2004 và được chia làm các giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng, thu xếp nguồn vốn vay ODA.
Giai đoạn 1, dự án có quy mô xây dựng đường sắt đôi trên cao điện khí hóa đoạn Giáp Bát - Gia Lâm dài 15,36 km và khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85 km. Tổng mức đầu tư là 19.460 tỉ đồng (13.972 tỉ vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại là đối ứng; tiến độ dự kiến từ năm 2008 đến năm 2017. Theo Bộ GTVT, đến nay đã ký hiệp định vay JICA lần 1 với 4,683 tỉ yen cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu, tuyển chọn tư vấn từ tháng 4/2008, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt kết quả đấu thầu cho liên danh tư vấn do JTC đứng đầu, liên danh với các công ty Nhật Bản khác và các công ty tư vấn Việt Nam. Giá trúng thầu tính đến tháng 10/2012 (sau khi điều chỉnh thời gian thực hiện thêm 11 tháng) là trên 3,6 tỉ yen và trên 236 tỉ đồng.
Giai đoạn 2a với phạm vi tiểu dự án từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5,649 km và kết nối với giai đoạn 1, tổng mức đầu tư trên 24.825 tỉ đồng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a, đang thương thảo tài chính với liên danh do JTC đứng đầu, dự kiến sẽ ký kết hợp đồng trong tháng 7/2014.
Bộ GTVT cho biết đến nay, dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay JICA với tổng giá trị 21,271 tỉ yen, các giai đoạn của dự án đã bắt đầu triển khai từ năm 2008. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn phải tuân thủ các quy định của nhà tài trợ và Luật Đấu thầu của Việt Nam. Dịch vụ tư vấn đã cơ bản hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn và thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2a, công tác đấu thầu xây lắp chưa được triển khai. “Trong ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ GTVT đã họp với tất cả các cơ quan liên quan đến dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 để làm rõ thông tin báo chí Nhật phản ánh và xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai”, thông cáo báo chí của Bộ GTVT nêu.
Tạm dừng công việc giám đốc ban quản lý dự án đường sắt
Trong cuộc họp khẩn chiều 23/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá những thông tin về nghi án cán bộ ngành đường sắt nhận hối lộ là rất nghiêm trọng và cần phải làm rõ để báo cáo Thủ tướng. Ông Thăng cho biết trong ngày 24/3, Bộ GTVT sẽ có văn bản báo cáo sự việc cho Thủ tướng, Bộ Công an, Ban Nội chính trung ương, Thanh tra Chính phủ. Tất cả các cán bộ liên quan đến JTC đều phải tạm dừng công việc để viết giải trình và cam kết không có chuyện nhận hối lộ, kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
“Sáng 24/3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với JICA và Đại sứ quán Nhật để thông tin lại cho phía bạn biết về những động thái và quyết tâm của Việt Nam trong việc kiểm tra, làm rõ thông tin. Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo chí Nhật phản ánh thì sẽ xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai” / ông Thăng nói và yêu cầu thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra tất cả các dự án “có mặt” của JTC và dừng đàm phán giai đoạn 2a (đoạn Giáp Bát, Ngọc Hồi) của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội.
Theo ông Trần Ngọc Thành, trước mắt sẽ tạm dừng công việc đối với Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt - ông Nguyễn Văn Hiếu để tập trung thời gian giải trình, cung cấp tư liệu. Tại cuộc họp chiều qua, ông Hiếu và một số cán bộ liên quan đã cam kết không nhận hối lộ bất kỳ một đồng nào từ nhà thầu Nhật.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra các dự án ODA liên quan đến nhà thầu JTC; trưởng đoàn là ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng Giám đốc. “Chúng tôi đang tái cơ cấu mạnh mẽ nên rất cần minh bạch. Số tiền tố cáo hối lộ rất lớn nhưng cho dù nhận hối lộ một đồng cũng là thiếu nhân cách nên chúng tôi sẽ xử lý công khai, rõ ràng. Trong quy trình quản lý, có chỗ nào chưa đúng sẽ phải xử lý ngay. Còn việc ai nhận hối lộ hay không thì chúng tôi không đủ thẩm quyền để kết luận”, ông Thành nói.
Một lãnh đạo Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tư pháp cho biết giữa Việt Nam và Nhật chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp. Chính vì thế, khi xảy ra các vấn đề liên quan cần tương trợ giữa hai bên, có thể phải thông qua con đường ngoại giao.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, đánh giá vụ tố cáo này có nhiều điểm khá giống vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên giám đốc Ban Quản lý Dự án đại lộ Đông/Tây (TP. Hồ Chí Minh) nhận hối lộ năm 2008 của Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (PCI - Nhật Bản). Nếu phía Nhật có đủ bằng chứng khẳng định hành vi “lại quả” số tiền lớn của JTC cho quan chức nhiều nước là một hành vi phạm tội hình sự thì có thể đề nghị cơ quan tư pháp phía Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ. “Làm rõ nghi vấn nhận hối lộ số tiền lớn như vụ này sẽ được thực hiện các bước như vụ của ông Huỳnh Ngọc Sĩ nhưng cũng sẽ vướng phải không ít khó khăn” - luật sư Hậu nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 23/3, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng các thông tin từ phía Nhật có thể coi là “thông tin tố giác tội phạm” và theo quy định của pháp luật Việt Nam là đã đủ cơ sở để Bộ Công an vào cuộc xem xét, khởi tố vụ án ngay. Mặc dù giữa Việt Nam và Nhật chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp nhưng 2 nước đã tham gia Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế).
“Chính vì thế, Văn phòng Interpol Việt Nam (C55 / Bộ Công an) có thể đề nghị Interpol Nhật hỗ trợ thông tin về tài liệu chứng minh hành vi đưa và nhận hối lộ cũng như danh tính những người liên quan ở Việt Nam để có cơ sở xử lý. Nếu đủ chứng cứ, sẽ khởi tố tiếp bị can. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và đang thu hút sự chú ý của dư luận nên Bộ Công an cần sớm vào cuộc chứ không thể chờ cơ quan chức năng Nhật có ý kiến thì chúng ta mới làm”, ông Quyền đề nghị.
Theo ông Quyền, các cơ quan thuế vụ, công tố của Nhật thường làm việc rất chặt chẽ, cẩn thận. Chính vì thế, các thông tin vừa được công bố trên một tờ nhật báo uy tín như vậy sẽ có độ tin cậy rất cao và đó có thể coi là cơ sở để Bộ Công an xem xét.
Trong khi đó, một lãnh đạo Ban Nội chính trung ương cho biết đã nắm được thông tin vụ này. Tuy nhiên, Ban Nội chính trung ương chưa đưa ra quan điểm cụ thể.