Vụ thông thầu tại Đồng Nai: 16 người kháng cáo


Thông tin từ Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho biết, đến nay cơ quan xét xử này đã nhận được đơn kháng cáo của 16 người trên tổng số 36 bị cáo trong vụ án thông thầu xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và một số đơn vị liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, sau phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi cuối tháng 12/2022, 16 bị cáo trong vụ án thông thầu xảy ra tại Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và một số đơn vị liên quan, gây thất thoát hơn 152 tỷ đồng đã có đơn kháng cáo.

Hầu hết các các kháng cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo hoặc đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại vai trò, tính chất, mức độ phạm tội.

Cụ thể, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc AIC) kháng cáo xin xem xét lại bản án sơ thẩm. Bởi theo bị cáo Nga, bị cáo náo này bị tòa sơ thẩm xác định là giữ vai trò chính trong vụ nên đã bị tuyên phạt 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đơn, bị cáo Nga đề Tòa cấp phúc thẩm đánh giá lại vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của mình.

Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm cũng tuyên buộc bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga phải bồi thường 15 tỷ đồng. Cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC cũng đề nghị, Tòa cấp phúc thẩm xem xét nội dung này vì bị cáo chỉ là người "làm công ăn lương" và không được hưởng lợi ích vật chất gì trong quá trình Công ty AIC thông thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC), hiện vẫn đang bỏ trốn và đã bị xét xử sơ thẩm vắng mặt với mức án bị áp dụng 30 năm tù cho cả 2 tội danh là "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ".

Kháng cáo thay thân chủ, luật sư của bị cáo Nhàn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét và đánh giá lại chứng cứ, tài liệu khi quy buộc cựu Chủ tịch Công ty AIC giữ vai trò cầm đầu, khởi xướng và trưc tiếp chỉ đạo thông thầu, đưa hối lộ.

Ngoài bị cáo Nhàn, 7 bị cáo khác (bỏ trốn) bị xét xử vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm cũng được luật sư kháng cáo. Trong số này, luật sư của 3 bị cáo đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ. Số còn lại cho rằng chứng cứ không đầy đủ, quá trình điều tra có thiếu sót…

Với nhóm cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các bị cáo Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, cựu Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh này không kháng cáo. Hai bị cáo từng giữ những chức vụ cao nhất tỉnh miền Đông Nam Bộ bị cấp Tòa sơ thẩm lần lượt tuyên phạt 11 và 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai); Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và xem xét lại tội danh "Nhận hối lộ".

Một bị cáo khác, Lê Chí Tuân (Trưởng nhóm hồ sơ Ban quản lý dự án 1 Công ty AIC) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do án 3 năm tù của mình “quá nghiêm khắc”.

Bị cáo Tuân cho rằng chỉ giữ vai trò “giản đơn, vụn vặt và mờ nhạt” nên mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật cho cải tạo ở ngoài xã hội để có điều kiện khắc phục sai lầm và chăm sóc mẹ già cùng 2 con nhỏ.

Trước đó, tại phần tuyên án hôm 4/1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội cho rằng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp xúc với các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai xin giúp đỡ, cho Công ty AIC tham gia và trúng thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai dù biết không đủ năng lực tài chính để tham gia.

Bị cáo Nhàn sau đó chỉ đạo nhân viên thông đồng với chủ đầu tư và các đơn vị lập hồ sơ thầu theo hướng giúp Công ty AIC trúng thầu. Qua đó, Công ty AIC tham gia rồi trúng 16 gói thầu thiết bị y tế một cách trái pháp luật tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.

Quá trình làm việc tại Đồng Nai, bị cáo Nhàn và cấp dưới đã hối lộ Bí thư Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng; Đinh Quốc Thái 14,5 tỷ đồng và Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỷ đồng. Bị cáo Bồ Ngọc Thu cũng được “cảm ơn” 1 tỷ đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định, bị cáo Nhàn đã phạm các tội "Đưa hối lộ" và "Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" với vai trò cầm đầu, chủ mưu và chịu tình tiết tăng nặng là bỏ trốn.

Các cựu nhân viên tại Công ty AIC khai làm theo chỉ đạo cao nhất của bị cáo Nhàn. Cựu Phó Tổng Giám đốc, Hoàng Thị Thúy Nga khai được Nhàn ủy quyền thực hiện thông thầu tại dự án, tiếp xúc các lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo nhân viên dưới quyền và móc nối "quân xanh".

Do các hành vi trên cả 36 bị cáo trong vụ án đều bị phạt tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo, trong đó có cả 8 bị cáo bỏ trốn. Về dân sự, tòa án xác định Công ty AIC xin bồi thường 152 tỷ đồng nhưng tài sản đảm bảo không đủ nên chỉ ghi nhận một phần.

Do vậy, Công ty AIC, bị cáo Nhàn, Trần Mạnh Hà (cựu Phó tổng giám đốc Công ty AIC) và Hoàng Thị Thúy Nga cùng phải bồi thường.

Nhóm Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ, Bồ Ngọc Thu phải nộp tiền thu lời bất chính, ghi nhận họ đã nộp số tiền này. Các doanh nghiệp “quân xanh” trong vụ cũng phải nộp lại tiền số tiền chiếm hưởng bất chính.

Theo Bùi Trang/thitruongtaichinhtiente.vn