Vụ tranh chấp đất đai gần 20 năm ở Cà Mau: Tỉnh phải chi hơn 3,3 tỉ đồng sửa sai
Nếu nhận số tiền này, gia đình người khiếu kiện sẽ không còn sống trong cảnh nghèo khó, nợ nần, song họ đã không đồng tình vì cho rằng cách giải quyết chưa hợp tình, hợp lý.
Ngày 12-11, UBND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định chi từ ngân sách hơn 3,3 tỉ đồng để bồi thường cho bà Nguyễn Kim Phượng, ngụ tại 132 Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau.
Lập hồ sơ giả để chiếm đất
Năm 1966, ông Nguyễn Văn Quán, cha bà Phượng, mua 3.780 m2 đất tại xã Hòa Thành, quận Quản Long, tỉnh An Xuyên (nay thuộc phường 8, TP Cà Mau). Gia đình bà Phượng đã cất nhà ở và sinh sống trên đất này từ đó đến nay. Mảnh đất đã được cấp chứng thư quyền sở hữu vào ngày 18-6-1971. Năm 1989, ông Tô Văn Hiền, em vợ ông Quán, làm đơn gửi UBND phường 8 đòi lại một phần đất này, với căn cứ là tờ nhượng phần đất ngang 12 m, dài 105 m mà ông Quán đã viết cho ông năm 1971.
Trên tờ nhượng đất chỉ có chữ ký của ông Quán và không có xác nhận của chính quyền. Dù vậy, ngày 6-5-1994, ông Nguyễn Thanh Đằng, Chủ tịch UBND phường 8, vẫn ra quyết định buộc gia đình bà Phượng phải trả lại phần đất này cho ông Hiền. Ngày 28-11-1994, ông Kiều Minh Đấu, Chủ tịch UBND thị xã Cà Mau, ký quyết định chuẩn y quyết định của ông Đằng.
Ngày 14-2-2000, ông Nguyễn Văn Diệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tiếp tục chuẩn y quyết định này. Đến ngày 10-8-2001, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định buộc bà Phượng giao trả phần đất đang tranh chấp có diện tích 1.143,2 m2 cho ông Hiền quản lý sử dụng. Tiếp đó, ngày 6-5-2002, UBND TP Cà Mau đã cấp sổ đỏ cho ông Hiền, rồi cưỡng chế gia đình bà Phượng để giao đất cho ông này bán cho người khác lấy một khoản tiền lớn.
Trước đó, ngày 19-5-1997, Công an tỉnh Cà Mau đã kết luận chữ ký trong tờ nhượng đất năm 1971 mà ông Hiền xuất trình không phải do ông Quán ký. Căn cứ việc giám định chữ ký, Ban Nội chính Tỉnh ủy Cà Mau kết luận: “Chưa đủ yếu tố pháp lý để thu hồi đất của bà Phượng giao lại cho ông Hiền. Trong hồ sơ thể hiện phía ông Hiền có dấu hiệu lập hồ sơ giả để chiếm đoạt tài sản người khác”.
Một mảnh đất hai quyền sở hữu
Gần 20 năm nay, bà Phượng phải thường xuyên ở Hà Nội, làm thuê, làm mướn, mua bán ve chai... sinh sống để tiếp cận các cơ quan chức năng. Đến ngày 20-4-2007, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã chủ trì cuộc họp giải quyết khiếu nại của bà Phượng. Phó Thủ tướng đã kết luận và chỉ đạo: “Giao chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau xử lý, giải quyết cụ thể khiếu nại của bà Phượng có lý, có tình, phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi.
Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau phải chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các cán bộ đã tham mưu đề xuất chưa đúng pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại của bà Phượng, báo cáo Thủ tướng trong tháng 6-2007”. Tiếp đó, ngày 16-7-2007, UBND tỉnh Cà Mau đã ra quyết định công nhận cho bà Phượng quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp.
Trong khi đó, người đang sở hữu phần đất tranh chấp là ông Trần Tú Ngọc (mua lại từ ông Hiền) đã có trong tay sổ đỏ hợp pháp. Ông Ngọc cũng đồng ý giao đất với điều kiện phải hoàn lại số tiền tương đương với trị giá phần đất theo thị trường là 14 tỉ đồng. Do ông Hiền không có tiền khắc phục nên trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Cà Mau. Nhưng với số tiền lớn như vậy, tỉnh không biết lấy đâu ra, đành để vụ việc rơi vào bế tắc một thời gian.
Ngày 13-11, UBND tỉnh Cà Mau đã mời vợ chồng bà Phượng và các cơ quan chức năng họp để giải quyết tiếp vụ việc, thông báo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh sẽ bồi thường cho bà hơn 3,3 tỉ đồng từ ngân sách. Nếu nhận số tiền này, gia đình bà Phượng sẽ không còn sống trong cảnh nghèo khó và nợ nần, song bà đã không đồng tình vì cho rằng cách giải quyết của UBND tỉnh Cà Mau chưa hợp tình, hợp lý.