Kho bạc Nhà nước Cần Giờ:

Vượt khó hoàn thành triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Nghiêm Khắc Tiến - Kho bạc Nhà nước Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)

Nhờ sự chủ động, sáng tạo trong công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại, và triển khai quyết liệt công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua Dịch vụ công trực tuyến, nhất là tại những địa bàn khó khăn mà đến nay Kho bạc Nhà nước (KBNN) Cần Giờ (KBNN TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, KBNN huyện Cần Giờ đã không còn phát sinh thu chi tiền mặt tại trụ sở Kho bạc.
Hiện nay, KBNN huyện Cần Giờ đã không còn phát sinh thu chi tiền mặt tại trụ sở Kho bạc.

Không còn phát sinh thu chi tiền mặt tại trụ sở Kho bạc

Cần Giờ là huyện đảo có diện tích rộng lớn, với 700.000 km2, chiếm 1/3 diện tích của TP. Hồ Chí Minh nhưng dân cư rất thưa thớt, bị chia cách với đất liền bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, hoạt động giao thương khó khăn. Toàn huyện Cần Giờ có 6 xã và 1 thị trấn, trong đó xã Thạnh An là một cụm đảo, chỉ có 3 ấp, là xã khó khăn nhất trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, không “đứng ngoài” tiến trình phát triển KBNN hướng tới Kho bạc số, KBNN Cần Giờ đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để thực hiện thành công việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc KBNN Cần Giờ, trong 9 tháng đầu năm 2023, KBNN Cần Giờ đã thực hiện thu ngân sách hơn 163,8 tỷ đồng. Trong đó đã phối hợp thu với các ngân hàng thương mại trên địa bàn được 13.638 món với tổng số tiền là hơn 156,3 tỷ đồng (đạt 95,40% tổng số thu NSNN).

Kết quả này có được nhờ việc KBNN Cần đã ký kết thỏa thuận hợp tác phối hợp thu NSNN, thanh toán song phương điện tử với hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm 2023 KBNN Cần Giờ đã phối hợp thu với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cần Giờ 13.627 món với số tiền 156,3 tỷ đồng, chiếm 99,99% tổng số thu qua các ngân hàng. Ngoài ra, KBNN Cần Giờ cũng đã tổ chức phối hợp thu với Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng Chi nhánh Phú Xuân, Ngân hàng Tiên Phong Bank Chi nhánh Cần Giờ…

Có thể nói, công tác phối hợp thu giữa KBNN Cần Giờ và các ngân hàng thương mại mang lại lợi ích cho cả ba bên: KBNN, ngân hàng thương mại và người nộp thuế. Quy trình thu, tổ chức phối hợp thu NSNN và thanh toán song phương điện tử với ngân hàng thương mại đã giúp KBNN Cần Giờ tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời các khoản thu của NSNN vào KBNN. Đồng thời, toàn bộ số tiền thu được trong ngày đều được tập trung vào tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước vào cuối ngày làm việc. Đặc biệt, người nộp thuế trên địa bàn hiện là đối tượng được hưởng lợi ích từ việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là tại những địa bàn khó khăn về giao thông, đi lại.

Cùng với đó, trong công tác kiểm soát chi, KBNN Cần Giờ đã chỉ đạo thực hiện tốt việc đối chiếu số dư tài khoản; thanh toán, giải ngân kịp thời các các khoản chi ngân sách, đảm bảo đúng quy trình, chế độ, tiêu chuẩn theo thẩm quyền được giao.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 9, KBNN Cần Giờ đã thực hiện kiểm soát chi thường xuyên số tiền là 618 tỷ 512 triệu đồng (đạt 57,15 % so với dự toán giao); kiểm soát chi đầu tư là 119 tỷ 991 triệu đồng (đạt 27,4 % so với dự toán giao). Nhờ việc thực hiện kiểm soát chi 100% qua dịch vụ công trực tuyến mà công tác giải ngân vốn của KBNN Cần Giờ luôn kịp thời, nhanh chóng. Hiện nay, KBNN huyện Cần Giờ đã không còn phát sinh thu chi tiền mặt tại trụ sở Kho bạc.

Lan tỏa tới những địa bàn khó khăn nhất

Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, trước đây, việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt của KBNN Cần Giờ gặp nhiều khó khăn do đặc điểm về địa hình. Theo đó, tính đến tháng 12/2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng ngân sách trên toàn huyện mới chỉ chiếm 71%, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt tại xã Thạnh An – xã khó khăn nhất huyện - chỉ chiếm hơn 4%.

“Xã Thạnh An chỉ có 4 đơn vị sử dụng ngân sách nên khi có nhu cầu chi tiêu, đơn vị sử dụng ngân sách thường rút tiền mặt tại KBNN huyện, sau đó phải vận chuyển tiền bằng phương tiện đường thủy về đơn vị để phát cho từng cá nhân. Nhận thấy quá trình vận chuyển tiền không có phương tiện chuyên dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất nhiều công sức trong kiểm đếm, phân phát cho từng cá nhân và không phù hợp với xu thế phát triển chung, KBNN Cần Giờ đã tham mưu KBNN TP. Hồ Chí Minh tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 25/3/2022 về đẩy mạnh thực hiện giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực KBNN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh”, Lãnh đạo KBNN Cần Giờ chia sẻ.

Nhờ sự tích cực vận động, tuyên truyền cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Sacombank Chi nhánh Cần Giờ trong việc mở tài khoản, thẻ ATM miễn phí, miễn phí giao dịch qua ứng dụng di động ngân hàng (mobile banking) Sacombank Pay, đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn xã Thạnh An đã thực hiện thanh toán, chi trả các khoản cho cá nhân qua tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, đã góp phần giảm 33% lượng tiền mặt giao dịch qua KBNN Cần Giờ so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, sau một thời gian sử dụng dịch vụ, đến nay, công chức, viên chức và người dân xã Thanh An đã quen dần với việc sử dụng ứng dụng mobile banking. Lượng giao dịch qua ứng dụng ngân hàng ngày càng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao dịch mua bán, gửi/nhận tiền của người dân trên địa bàn mà không phải mất nhiều thời gian rút tiền mặt như trước đây.

Có thể thấy, Thạnh An là xã cuối cùng và khó khăn nhất đã thực hiện chi trả 100% các khoản cho cá nhân đối với công chức, viên chức qua tài khoản. Kết quả đó đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Cần Giờ nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung.