Kho bạc Nhà nước từng bước số hóa công tác kiểm soát chi

Thùy Linh

Thực hiện số hóa và chuyển đổi công tác kiểm soát chi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” dựa trên quản trị rủi ro là mục tiêu được đề cập tại Hội thảo “Kiểm soát chi tiêu dựa trên rủi ro và xây dựng khung kiểm soát chi tiêu hiện đại theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030” tổ chức ngày 20/10.

Hội thảo “Kiểm soát chi tiêu dựa trên rủi ro và xây dựng khung kiểm soát chi tiêu hiện đại theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030” tổ chức ngày 20/10.
Hội thảo “Kiểm soát chi tiêu dựa trên rủi ro và xây dựng khung kiểm soát chi tiêu hiện đại theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030” tổ chức ngày 20/10.

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, hiện nay, hệ thống đang kiểm soát chi ngân sách cho hơn 120 nghìn đơn vị sử dụng ngân sách trên cả nước, với hơn 640 nghìn tài khoản giao dịch và hơn 30 triệu giao dịch phát sinh hàng năm. Đến nay, đã có hơn 99%% chứng từ chi ngân sách Nhà nước được gửi đến Kho bạc theo phương thức điện tử qua Dịch vụ công trực tuyến của ngành, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch.

Tuy nhiên, chuyên gia của Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá, công tác kiểm soát chi mới dừng ở mức điện tử hóa, tức là kiểm soát chứng từ chủ yếu dựa trên bản chụp – scan chứng từ gốc từ đơn vị sử dụng ngân sách.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm soát chi ngân sách, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cho biết, số hóa công tác kiểm soát thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng giao dịch, thực hiện chia sẻ - liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quy trình chi ngân sách, đảm bảo hiệu quả, minh bạch, công khai trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước. Đi đôi với đó là kiểm soát theo rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Đại diện Kho bạc Nhà nước cũng nhận định, để số hóa được công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các bên có liên quan, từ các bộ ban ngành, địa phương cho đến từng đơn vị sử dụng ngân sách. Đơn cử việc các đơn vị sử dụng ngân sách cần triển khai rộng rãi hợp đồng điện tử, và liên thông - chia sẻ dữ liệu để thực hiện số hóa hồ sơ, chứng từ một cách thực chất, từ đó Kho bạc có cơ sở số hóa công tác kiểm soát chi.

Về nội dung này, chuyên gia tài chính – ngân sách đề xuất Chính phủ sửa Nghị định quy định về quản lý, thanh quyết toán vốn đầu tư công theo hướng: Hồ sơ pháp lý làm căn cứ kiểm soát chi là hợp đồng điện tử (thay thế cho hợp đồng bản giấy như hiện nay), hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành là bẳng xác định giá trị khối lượng hoàn thành điện tử.