Vượt lên trên sự tuân thủ để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán

Minh Lâm

Tinh thần trách nhiệm cải cách của cơ quan quản lý và chính bản thân các doanh nghiệp chính là chìa khóa để thúc đẩy tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” cùng dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý ở bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Bộ Tài chính không phải là cơ quan duy nhất có thể quyết định tiến trình nâng hạng thị trường, mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Hiếu khẳng định, vai trò chủ trì, tham mưu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong công tác nâng hạng vẫn là quan trọng nhất.

“Tôi rất mong muốn, cơ quan quản lý sớm có một kế hoạch hành động hoặc một chương trình, đề án cụ thể để thúc đẩy tiến trình nâng hạng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo đó, ông Hiếu đề xuất 3 cấp độ hành động chính sách: Bắt buộc phải sửa đổi về luật; Hành động trong khuôn khổ chính sách có sẵn và vượt lên trên sự tuân thủ.

Ở cấp độ hành động chính sách cao nhất, nếu có những vấn đề buộc phải sửa đổi về mặt chính sách pháp luật, như sửa đổi phương thức, bù trừ thanh toán; danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài thì phải thực hiện để phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng tiêu chí của các tổ chức xếp hạng như MSCI, FTSE Russell.

Đối với cấp độ thứ hai, là hành động trong một khuôn khổ chính sách có sẵn. “Chúng ta không thể trông đợi mãi việc sửa Luật này, sửa Nghị định, Thông tư kia, mà cần phải tối đa hóa hành động trong một khuôn khổ thể chế, pháp lý để có thể lựa chọn ra một số vấn đề quan trọng cần giải quyết”, ông Hiếu nói.

Đơn cử như, trong lúc chưa quyết định được việc thu hẹp hay nới rộng danh mục giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý có thể tập trung vào việc minh bạch hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro, tạo cơ chế dễ tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc rà soát, tìm hiểu một công ty đó kinh doanh bao nhiêu ngành nghề và lĩnh vực nào bị hạn chế sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bằng cách, công ty niêm yết phải công bố thông tin, cập nhật “room ngoại” trên thị trường một cách công khai, minh bạch và chính xác.

Cấp độ thứ ba, cấp độ thấp nhất nhưng lại được ông Phan Đức Hiếu kỳ vọng và ưu tiên hơn cả, đó là “vượt lên trên sự tuân thủ”. Đây là tư duy cần được tiếp cận chủ yếu từ góc độ của doanh nghiệp.

“Tư duy này rất quan trọng trong thực thi cải cách của doanh nghiệp, gọi là vượt lên trên sự tuân thủ, có nghĩa là không chỉ làm để đảm bảo yêu cầu của luật pháp, Chính phủ mà làm chính vì lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của khách hàng, của nhà đầu tư. Ví dụ, có thể luật pháp không yêu cầu, doanh nghiệp vẫn nỗ lực làm tốt hơn những quy định của luật như công bố thông tin bằng tiếng Anh, quản trị rủi ro, áp dụng chuẩn IFRS…”, ông Hiếu chỉ rõ.

Theo ông Hiếu, nếu ở cấp độ này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp niêm yết cùng hành động quyết liệt thì sẽ sớm đạt được hiệu ứng tích cực hơn, qua đó hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, cũng là động lực chính đẩy nhanh tiến trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.