Minh bạch để nâng hạng thị trường chứng khoán

Bảo Ngọc

Minh bạch thị trường để bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ thị trường chứng khoán, cũng như là tiền đề nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất kỳ vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một bước để nâng tầm, khẳng định tên tuổi của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư ngoại.

Nâng hạng không chỉ dừng ở việc thu hút thêm 2 - 2,5 tỷ USD vốn ngoại vào thị trường mà còn là vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam trên quốc tế, xứng đáng với niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để nâng hạng, cái gốc của thị trường phải đảm bảo tính minh bạch, vận hành thông suốt với hệ thống giao dịch tốt. Theo đó, khuôn khổ pháp lý cũng phải sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển chung của thị trường, việc công bố thông tin phải minh bạch, đảm bảo tính công bằng tới tất cả nhà đầu tư hướng tới một thị trường phát triển an toàn và bền vững.

“Chúng tôi đánh giá cao sự minh bạch của các doanh nghiệp niêm yết. Bởi cái gốc của thị trường chứng khoán là minh bạch, chỉ có minh bạch mới bảo vệ chính cho nhà đầu tư, bảo vệ cho cả thị trường và bảo vệ chính cơ quan quản lý”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, UBCKNN đã báo cáo lên Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp tháo gỡ, có sự phân vai phù hợp đối với các bên liên quan, qua đó nâng cao hiệu quả những nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, trở thành kênh dẫn vốn tích cực cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng cho rằng, khi nâng hạng thành công, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về sự toàn vẹn, tính chống chịu rủi ro của thị trường. Kỳ vọng giao dịch thông suốt cũng sẽ tạo áp lực không ít lên các sở giao dịch chứng khoán.

Cần có sự chung tay của các bộ, ngành, doanh nghiệp

Theo ông Phạm Hồng Sơn, UBCKNN luôn coi nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là mục tiêu trọng yếu, thể hiện quy mô và sự minh bạch của thị trường, đảm bảo tính nghiêm minh, kỷ luật, kỷ cương nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với đó, các chuẩn mực của thị trường cũng phải theo thông lệ quốc tế hiện hành. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã là thành viên của Liên đoàn Các Sở Giao dịch chứng khoán thế giới (WFE), các quy định khung pháp lý của thị trường, kể cả các nghị định cũng đang hướng tới đáp ứng chuẩn mực thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình tiến tới tuân thủ các thông lệ quốc tế, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp niêm yết lại là một trong những áp lực lớn dù rằng tiêu chí này được nhìn nhận khá đơn giản.

“Việc công bố thông tin theo đúng thông lệ quốc tế để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cân tưởng chừng rất đơn giản, nhưng hiện mới chỉ có số ít doanh nghiệp, tập đoàn lớn đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh. Một số doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, ngay bảo công bố bằng tiếng Việt còn lỗi, chưa nói đến các văn bản tiếng Anh”, ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn đề xuất khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết nâng cấp, công bố thông tin bằng tiếng Anh thông qua việc cộng điểm cho thang điểm quản trị của doanh nghiệp. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp là giải pháp thúc đẩy tiến trình nâng hạng nhanh hơn.

Một điểm “nghẽn” khác trong lộ trình nâng hạng cần được khắc phục là vấn đề tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Theo phản ánh của FTSE Russell, MSCI, hiện nay nhà đầu tư nước ngoài đang gặp khó trong việc tra soát tỷ lệ sở hữu nước ngoài cụ thể của từng doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến việc khó để đưa ra quyết định đầu tư.

Về vấn đề phân bố tỷ lệ “room ngoại” theo ngành nghề, mục đích kinh doanh của doanh nghiệp, nới “room ngoại” hay không thuộc về thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay việc thanh toán ngoại tệ thuộc quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, để tháo gỡ nút thắt này, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành.