Vượt qua Philippines, Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba Đông Nam Á


Theo báo cáo của nền tảng OpenGov Asia, trong năm nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình

Theo nền tảng OpenGov Asia, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.
Theo nền tảng OpenGov Asia, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Mới đây, báo cáo về thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á của nền tảng OpenGov Asia cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Đáng chú ý, Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong khu vực.

Năm 2023, tổng giá trị hàng hóa của 8 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á đạt 114,6 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2022. 

Bất chấp những thách thức kinh tế vĩ mô, lĩnh vực thương mại điện tử Đông Nam Á vẫn chứng tỏ sự tăng trưởng liên tục, với tổng giá trị hàng hóa năm 2024 được dự đoán sẽ tăng gấp đôi so với năm 2020.

Cũng trong năm nay, Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu quỹ đạo tăng trưởng, với tổng giá trị hàng hóa lần lượt tăng 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 16 - 30% trong 4 năm qua, cao nhất thế giới.

Năm ngoái, tại thị trường Đông Nam Á, Shopee chiếm ưu thế với tổng doanh thu là là 55,1 tỷ USD, chiếm 48% thị phần. 

Trong khi đó, TikTok Shop cũng đã vươn lên trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau khi mua lại Tokopedia - Công ty công nghệ hàng đầu Indonesia chuyên về thương mại điện tử. 

Tại Việt Nam, TikTok Shop nắm giữ 24% thị phần, trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai.

Báo cáo của OpenGov Asia xác định những người có ảnh hưởng (KOL) đóng vai trò quan trọng trong việc điều hướng thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Chẳng hạn, một buổi phát trực tiếp với KOL cũng có thể tạo ra doanh thu hàng triệu đô la.

Ngoài ra, các nền tảng thương mại điện tử trong khu vực đang ngày càng áp dụng các ứng dụng AI tiên tiến để nâng cao trải nghiệm người dùng và hiệu quả hoạt động. 

Theo phân tích của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), AI trong thương mại điện tử tác động đến các xu hướng chính của thị trường, bao gồm vai trò của phân tích dự đoán trong việc tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho, tích hợp thuật toán học máy trong dự đoán sở thích của người tiêu dùng, sự xuất hiện của các công nghệ như chatbot và trợ lý ảo để nâng cao trải nghiệm người dùng và áp dụng các chiến lược dựa trên dữ liệu để tiếp thị và đề xuất sản phẩm. 

Cũng theo báo cáo của OpenGov Asia, Việt Nam đang tăng cường nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, hướng dẫn và giải pháp đổi mới.

Lĩnh vực này đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ 2022 - 2025, với dự báo cho thấy mức tăng trưởng hằng năm là 20% cho đến năm 2026.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế, với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300% và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD.

Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững trong thương mại điện tử.

Báo cáo đề cập đến những sáng kiến của Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại điện tử như Bộ Công Thương đang tăng cường khuôn khổ pháp lý, cung cấp hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư và đảm bảo bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024 nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh số.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Báo cáo của OpenGov Asia đánh giá, những sáng kiến này nhấn mạnh cam kết của Việt Nam về chuyển đổi số và hiện đại hóa kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế số và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo Báo Công Thương