WTO chính thức cho Mỹ đánh thuế hàng châu Âu, EU nói sẽ "chiến đến cùng"
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm 14/10/2019 đã chính thức cho phép Mỹ áp thuế trên lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU).
Đây là biện pháp thương mại được Washington thực hiện nhằm đáp trả EU khi đã cho phép hãng sản xuất máy bay Airbus hưởng lợi từ những khoản trợ cấp nhà nước trong nhiều năm qua, từ đó gây thiệt hại cho Mỹ.
Tại cuộc họp đặc biệt diễn ra cùng ngày ở Geneva, Thụy Sĩ, Cục Giải quyết tranh chấp thuộc WTO (DSB), gồm đại diện của 164 nước thành viên đã đưa ra quyết định cuối cùng; theo đó, chấp thuận cho Washington thực hiện các biện pháp trả đũa EU cũng như các quốc gia sản xuất máy bay Airbus gồm Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Quyết định của DBS được dựa trên phán quyết mà toà trọng tài WTO đưa ra hồi đầu tháng 10, cho rằng Mỹ đã chịu thiệt hại tương tương 7,5 tỷ USD/năm từ những khoản cho vay ưu đãi của chính phủ các nước châu Âu dành cho dòng máy bay A350 và A380 của Airbus.
Đây được xem là cột mốc quan trọng trong một vụ kiện đã kéo dài quá lâu, bắt đầu từ ngày 6/10/2004, với việc Airbus và Boeing nộp đơn khiếu nại lẫn nhau; trong đó, Mỹ là bên “nổ súng” trước. Tuy nhiên, thông qua nhiều báo cáo, WTO đã không tuyên bố Airbus hay Boeing thắng kiện, vì thực tế là cả hai đều được hưởng lợi từ các khoản cho vay của chính phủ vào những thời điểm nhất định.
Được biết, WTO đã phải hủy bỏ 90% nội dung khiếu nại từ hai bên. Và, phán quyết từ toà trọng tài WTO hôm 2/10/2019 trên thực tế chưa thể chấm dứt tranh chấp giữa hai bên, khi WTO còn phải công bố ý kiến cuối cùng về khiếu nại của châu Âu đối với Boeing vào đầu năm 2020.
Dẫu vậy, với quyết định từ DBS, một trận chiến trừng phạt thuế quan, “ăn miếng trả miếng” nhiều khả năng sẽ bùng nổ trong thời gian ngắn mà không cần chờ tới năm 2020.
Cụ thể, hàng rào thuế quan lên đến 25% của Mỹ nhắm vào EU sẽ chính thức có hiệu lực từ 18/10/2019. Theo hãng tin RT, danh sách các mặt hàng bị Mỹ áp thuế bao gồm rượu whisky Scotland, rượu vang Pháp, phô mai Ý, bên cạnh một số mặt hàng khác từ Đức, Anh và Tây Ban Nha.
Đồng thời, hàng rào thuế mới của Mỹ sẽ đánh vào các mặt hàng áo len, len, len cashmere và nhiều sản phẩm quần áo khác được sản xuất tại Anh, cũng như ô liu Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Bên cạnh đó, mức thuế 10% sẽ được áp dụng đối với máy bay dân dụng cỡ lớn. Tuy nhiên, một số sản phẩm cụ thể, bao gồm rượu vang Ý, không nằm trong danh sách nói trên.
Ở chiều ngược lại, các quốc gia châu Âu cũng đang “lên dây cót” để đối phó với hàng rào thuế quan mà Mỹ sẽ áp trên EU. Hôm qua, Ủy viên thương mại EU - bà Cecilia Malmstrom cho biết, khối này sẽ duy trì sức ép đối với Mỹ và "chiến đấu cho đến phút cuối cùng" để xem Washington có thể ngừng hành động áp thuế hay không.
Bà Malmstrom kỳ vọng EU có thể thuyết phục Washington “đình chiến” thông qua đối thoại trong 4 ngày tới nhằm tránh căng thẳng thương mại giữa hai bên leo thang, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu. Trong bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, bà tái khẳng định dù Mỹ được quyền áp thuế với hàng EU, song không có nghĩa là Washington buộc phải làm điều đó.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Pháp Bruno Le Maire hồi tháng 9/2019 cũng cảnh báo, châu Âu đã "sẵn sàng để phản ứng" với các mức thuế của riêng mình nếu Washington lấn tới với bất kỳ hàng rào thuế nào, song bày tỏ hy vọng về "một thỏa thuận thân thiện" của Pháp với các đại diện thương mại Mỹ.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại WTO - Dennis Shea khẳng định đàm phán sẽ chỉ diễn ra nếu EU chấm dứt các ưu đãi dành cho Airbus và cam kết không tái áp dụng chính sách này dưới bất cứ cơ chế hoặc trường hợp nào khác.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và EU, nếu thực sự bùng nổ, sẽ diễn ra trong một bối cảnh quốc tế vô cùng đặc biệt. Với việc Mỹ và Trung Quốc vẫn còn trong thế giằng co và chưa có tiến triển thương mại rõ ràng, khi thoả thuận gần nhất giữa hai bên chỉ dừng ở cái bắt tay, một mặt trận mới sẽ chỉ càng gây bất ổn cho nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó là tác động của một “Brexit cứng” có xác suất xảy ra rất cao, song song với việc khuôn khổ đàm phán và thương mại đa phương, nhất là của WTO, đang bị phá vỡ ở khắp mọi nơi.