WTO hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2016
Với cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, ngày 27/9, Tổ chức Thương mại Thế giới đã hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại thế giới trong năm nay, cụ thể giảm 1,1% từ mức 2,8% đưa ra trong dự báo hồi tháng Tư vừa qua xuống 1,7%.
Dự báo mới nhất này cũng giảm mạnh so với dự báo mức tăng trưởng "mơ ước" 3,9% mà các chuyên gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo cách đây một năm.
Tương tự, WTO cũng hạ mạnh mức dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2017, dao động trong khoảng từ 1,8% đến 3,1% so với dự báo 3,6% trước đó.
Theo WTO, căn cứ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm nay chỉ ở mức 2,6%, năm 2016 sẽ là năm chứng kiến tăng trưởng thương mại và sản lượng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Sự sụt giảm này đặc biệt rõ nét tại các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Brazil và khu vực Bắc Mỹ.
Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo sự suy giảm tăng trưởng thương mại là rất nghiêm trọng và cần phải nâng mức báo động.
Một vài dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thương mại toàn cầu trong quý II như gia tăng vận chuyển hàng hóa container tại cảng hay các đơn hàng xuất khẩu tại Mỹ. Tuy nhiên, nhiều yếu tố không chắc chắn đang tác động đến triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm nay và năm sau như biến động về tài chính do thay đổi chính sách tiền tệ ở các nước phát triển hay tác động xấu từ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).
Ngoài ra, còn một yếu tố khác tác động tới thương mại toàn cầu là xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước.
Trong báo cáo giữa năm về phát triển gắn liền với thương mại công bố cuối tháng 7 vừa qua, Tổng Giám đốc WTO Azevedo đã cảnh báo các nước thành viên cần tránh thiết lập các rào cản thương mại và "phải thúc đẩy thương mại" nhằm đối phó với sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế thế giới.
Tính từ giữa tháng 10/2015 đến giữa tháng 5/2016, trung bình mỗi tháng các nước thành viên WTO đưa ra tới 22 biện pháp hạn chế thương mại mới, so với mức chỉ khoảng 15 biện pháp/tháng trước đó.
Các nền kinh tế G20, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Canada cũng đang thắt chặt kiểm soát nhập khẩu, mà theo các nước này, là để đối phó với những “bất công” trong ngoại thương.