Xác lập căn cứ pháp lý về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng

Trần Huyền

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung nhằm đảm bảo tránh gian lận, lợi dụng, gây thất thu ngân sách. Trong đó, dự thảo đã quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp.

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 29/10.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 29/10.

Bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại phiên họp sáng 29/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về các trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ đầu vào, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế tại khoản 9 Điều 15 “trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ sở kinh doanh không được hoàn”.

Quy định trên nhằm bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng khi thuế đầu vào chưa được nộp vào ngân sách nhà nước. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng thêm nguồn thu ngân sách.

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng là cần thiết. Nội dung này cần được quy định trong Luật nhằm xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng, bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp là "các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định".

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, đây những nội dung liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi của người nộp thuế, cần được quy định trong Luật như hiện hành. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý và quy định tại khoản 25 Điều 5 dự thảo Luật. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách

Đối với nội dung về thuế suất 0%, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ trong về các trường hợp cung cấp hàng hoá cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hoá được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.

Về hoàn thuế giá trị gia tăng, theo Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh, chính sách cho phép hoàn thuế đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam rồi làm thủ tục xuất khẩu luôn sang nước thứ ba có nguy cơ làm gia tăng tranh chấp thương mại với các đối tác lớn và dễ bị các đối tượng lợi dụng, gian lận về xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hoá Việt Nam như một số trường hợp đã bị cơ quan hải quan phát hiện. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý lại để loại trừ, không cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp này.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ các nội dung quy định về trách nhiệm người nộp thuế, cán bộ thuế để chuyển sang quy định tại dự thảo Luật Quản lý thuế đang được trình Quốc hội trong Dự án một luật sửa 7 luật.