Xăng dầu giả tràn lan... vì đâu?
Mặc dù đã có nhiều cuộc truy quét, phát hiện, xử lý vấn nạn xăng dầu giả, quy án nhiều đối tượng cầm đầu, thế nhưng, tình trạng sản xuất, buôn bán xăng dầu giả vẫn chưa “hạ nhiệt”?...
Kinh doanh xăng dầu giả, không chỉ gây lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn xâm hại tới quyền lợi của người tiêu dùng, mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng vấn nạn trên không những không giảm mà đang có chiều hướng ngày một gia tăng bởi sức hấp dẫn đến từ lợi nhuận...
Những con số… “biết nói”
Sau vụ việc sản xuất xăng giả của Công ty TNHH Mỹ Hưng của ông “trùm” Trịnh Sướng, tưởng chừng như tình trạng sản xuất buôn bán xăng dầu giả sẽ “hạ nhiệt”, tuy nhiên, mới đây dư luận lại tiếp tục “nóng” lên khi Công an tỉnh Đồng Nai, phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây nhập lậu, làm xăng giả với số lượng “khủng” lên tới 200 triệu lít.
Theo đó, năm 2019, Trịnh Sướng cùng đồng bọn đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 133 triệu lít xăng giả, gần 1,6 triệu lít dầu DO giả, tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỉ đồng.
Trịnh Sướng đã thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 102 tỉ đồng khi bán ra thị trường gần hết số xăng, dầu giả thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol, liên quan đến vụ việc đã có 39 đối tượng bị bắt và khởi tố.
Sự việc chưa kịp lắng xuống, đầu năm 2021, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an tiếp tục triệt phá đường sản xuất, buôn bán xăng giả với số lượng “khủng” lên tới 200 triệu lít, hoạt động từ tháng 8/2020 cho đến khi bị triệt phá, trung bình mỗi ngày đường dây này tuồn ra thị trường 1,1 triệu lít xăng giả.
Liên quan vụ việc, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật, gồm: 2 tàu biển lớn loại trọng tải 1.500 tấn, 5 sà lan loại từ 400 tấn đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất tạo màu, hơn 100 tỉ đồng tiền mặt và gần 50 sổ đỏ; tính đến 10/3, đã có 40 đối tượng liên quan đến hoạt động của đường dây này bị khởi tố.
Bất cập trong quản lý hệ thống phân phối
Chia sẻ với phóng viên, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN nhận định, sở dĩ hiện trạng sản xuất buôn bán xăng dầu giả nhức nhối như hiện nay, không xuất phát từ chế tài thiếu tính răn đe mà nguyên nhân xuất phát từ “lỗ hổng” của chính sách, nếu chính sách quản lý tốt, tình trạng này sẽ không thể tồn tại chứ chưa nói đến hoạt động trong thời gian dài với lượng xăng giả lên tới hàng trăm triệu lít.
“Theo quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, các tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối xăng dầu cho một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối; đại lý bán lẻ xăng dầu cũng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối... Quy định này nhằm kiểm soát chặt chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, gắn với trách nhiệm của nhà cung cấp.
Tuy nhiên, Nghị định này lại cho một đối tượng là "thương nhân phân phối" được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân xăng dầu đầu mối, vậy nên nguy cơ xảy ra vi phạm tập trung chủ yếu ở những đối tượng này, bởi thực tế, nhiều thương nhân phân phối thậm chí không có hệ thống mà toàn đi thuê mướn lại”, Luật sư Hiệp phân tích.
Trước đó, chia sẻ với báo chí về những bất cập trong việc kiểm soát thị trường xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Trần Duy Đông cũng từng thừa nhận, trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hiện đang có bất cập nên mới xảy ra tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ.
Một chuyên gia quan ngại, rất có thể các cây xăng nhập xăng giả, rồi cho trộn với xăng thật, người tiêu dùng không thể nhận biết, cơ quan kiểm tra cũng khó phát hiện, thực tế chiêu trò này chỉ qua được mắt thường, nếu đo lường nghiêm túc, muốn qua mặt không phải chuyện dễ. Còn lý do bao biện vì thế… nên bao nhiêu năm vẫn không phát hiện lại là chuyện khác.