Xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp - Yếu tố quan trọng khi kiểm tra sau thông quan
(Tài chính) Theo Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) - Cục Hải quan Đồng Nai, lựa chọn doanh nghiệp (DN) để kiểm tra sau thông quan đóng vai trò quan trọng trong tất cả các cuộc kiểm tra. Vấn đề là căn cứ vào đâu để lựa chọn chính xác đối tượng, nâng cao hiệu quả KTSTQ? Đơn vị này đã đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này.
Lựa chọn doanh nghiệp để KTSTQ là kết quả của một quá trình phân tích, sàng lọc và tổng hợp thông tin. Lựa chọn chính xác doanh nghiệp sẽ quyết định tính hiệu quả của công tác KTSTQ.
Qua kinh nghiệm kiểm tra đối với loại hình doanh nghiệp gia công - sản xuất xuất khẩu (sản xuất, xuất khẩu), Chi cục KTSTQ Đồng Nai nhìn nhận có 06 tiêu chí cụ thể cần được xem xét.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với thị trường nội địa, mặt hàng và nguyên liệu sản xuất.
Đặc thù của loại hình xuất nhập khẩu (xuất nhập khẩu) gia công, sản xuất, xuất khẩu, loại hình doanh nghiệp chế xuất là hàng hóa chủ yếu xuất ra nước ngoài theo chỉ định của người đặt gia công hoặc công ty mẹ. Ngoài ra, việc bảo vệ bản quyền của nhiều thương hiệu rất nghiêm ngặt nên hàng hóa khi được tiêu thụ trong thị trường Việt Nam phải nhập khẩu (NK) thông qua nhà phân phối chính thức.
Do vậy, Chi cục KTSTQ Đồng Nai xác định đây là kênh thông tin quan trọng. doanh nghiệp SX ở ngành hàng tiêu dùng (giày dép, may mặc, thực phẩm…) có khả năng thẩm lậu thành phẩm lẫn nguyên phụ liệu vào thị trường nội địa.
Để thu thập thông tin, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Đội Kiểm soát HQ, Công an khu công nghiệp, khu chế xuất và các Chi cục quản lý doanh nghiệp trong việc giám sát, kiểm soát quá trình thực hiện xuất nhập khẩu, SX trao đổi của doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó phát hiện các doanh nghiệp đưa vào tiêu thụ nội địa nguyên liệu, sản phẩm.
Ngoài việc thu thập thông tin từ các hệ thống dữ liệu của ngành và hồ sơ tài liệu, cần phối hợp với các ban ngành quản lý liên quan, đặc biệt là Cục Thuế địa phương. Các hồ sơ từ Cục Thuế như hồ sơ đăng ký chế độ kế toán ban đầu, hệ thống sổ sách tài khoản kế toán, báo cáo quyết toán thuế, tờ khai thuế giá trị gia tăng hàng tháng, bảng tổng hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào và bán ra… có thể cho phép đưa ra nhận định ban đầu về việc doanh nghiệp có phát sinh việc bán vào thị trường nội địa hàng hóa, dịch vụ là nguyên liệu gia công, sản xuất, xuất khẩu hay thành phẩm từ gia công, sản xuất, xuất khẩu hay không.
Thứ hai, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp luôn chấp hành tốt pháp luật sẽ có hệ số rủi ro thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật.
Đánh giá quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp qua một số căn cứ sau:
+ Thu thập thông tin về cơ chế ưu tiên hải quan mà doanh nghiệp đã có hoặc đang đề nghị công nhận mà bị hủy bỏ, trì hoãn hay bị từ chối trong vòng 3 năm gần nhất từ Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp.
+ Thu thập thông tin về tư cách pháp lý của doanh nghiệp (các chủ sở hữu, các cổ đông chính, đại diện pháp lý của doanh nghiệp… xem có từng vi phạm pháp luật không).
+ Công ty có duy trì việc kiểm toán đầy đủ với hoạt động liên quan đến hải quan hay không.
+ Thông tin về hệ thống kế toán và tính minh bạch về tài chính qua các năm hoạt động trên địa bàn.
+ Các thông tin tình báo khác, nếu có.
Thứ ba, thông tin về việc doanh nghiệp có dấu hiệu khai tăng định mức/xuất khống sản phẩm.
Các đơn vị KTSTQ phải thu thập những thông tin về khả năng gian lận của doanh nghiệp trong khai báo định mức, khai tăng định mức dẫn đến thừa nguyên liệu SX (tồn kho thực tế cao hơn bảng cân đối xuất nhập tồn quản lý tại cơ quan hải quan) dễ dẫn đến thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Mặt khác, cần thu thập thông tin từ các hãng tàu về tuyến đường, lịch trình, các cảng quá cảnh (nếu có) để có cơ sở sớm nhận biết B/L (vận đơn đường biển) giả mạo qua những điểm bất hợp lý trên B/L mà doanh nghiệp cung cấp… củng cố thông tin về khả năng xuất khống, gian lận định mức của doanh nghiệp.
Thứ tư, lựa chọn doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, mặt hàng trọng điểm.
Việc lựa chọn này có ý nghĩa lớn đối với kết quả và hiệu quả của một cuộc KTSTQ. Bởi vì, đối với những doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu cao hoặc doanh nghiệp thường xuyên xuất nhập khẩu thì có nhiều khả năng là nếu có sai phạm sẽ mang tính hệ thống, kéo dài và số tiền thuế, tiền nộp phạt sẽ lớn.
Thứ năm, doanh nghiệp phát sinh nguyên phụ liệu tồn kho âm.
Nghĩa là tồn kho thực tế của doanh nghiệp chênh lệch thiếu so với báo cáo thanh khoản do cơ quan hải quan xác định.
Nguyên phụ liệu tồn kho âm là dấu hiệu điển hình thể hiện doanh nghiệp có khả năng sai phạm trong loại hình gia công, sản xuất, xuất khẩu, có khả năng doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu vào thị trường nội địa không khai báo hải quan.
Vấn đề cần lưu ý là để có cơ sở tính toán chính xác số liệu tồn kho, đơn vị hải quan tiến hành KTSTQ cần tập trung kiểm tra các chứng từ, sổ sách như: Các báo cáo tài chính đã được kiểm toán; Các chứng từ, sổ sách kế toán liên quan đến hàng tồn kho, gồm: Chứng từ, sổ sách kế toán nguyên vật liệu tồn kho, thành phẩm kho, hàng đi trên đường, sản phẩm dở dang…
Kiểm tra đối chiếu giữa dữ liệu hồ sơ thanh khoản giấy với dữ liệu trên các chương trình để đảm bảo các số liệu đưa vào thanh khoản là chính xác. Kiểm tra các tờ khai hủy có đưa vào thanh khoản hay không, các tờ khai có điều chỉnh về lượng, mã số thuế… có được thanh khoản đúng theo thực tế đã điều chỉnh không. Kiểm tra định mức các mã hàng có nghi vấn doanh nghiệp khai báo định mức cao so với thực tế định mức. Kiểm tra đối chiếu giữa lượng nguyên liệu tồn kho theo hồ sơ doanh nghiệp với tồn kho thực tế…
Thứ sáu là một số tiêu chí khác, như nước đầu tư, nhân thân của Tổng giám đốc doanh nghiệp, nguồn nguyên liệu NK, nước XK… cũng cần được quan tâm khi tiến hành lựa chọn doanh nghiệp để KTSTQ, tùy trường hợp cụ thể.
Từ những kinh nghiệm nói trên, Chi cục KTSTQ Hải quan Đồng Nai khẳng định, việc xây dựng và hoàn thiện một bộ tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp KTSTQ là rất cần thiết, có ý nghĩa quyết định đến kết quả và hiệu quả công tác này. Đơn vị đề nghị Cục KTSTQ nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí chung để tạo thuận lợi và thống nhất cho các đơn vị trong toàn ngành khi lựa chọn doanh nghiệp KTSTQ.