Tỉnh Bạc Liêu:
Xây dựng chiến lược cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp được xác định là giải pháp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì vậy, từ năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết 03 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và tiếp theo đó là Kết luận 64 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo này, phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu không ngừng tăng trưởng. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng trung bình 9,67%/năm. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 8,7%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10,6%/năm, cao hơn mức tăng bình quân GRDP của toàn tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2020 là 6,3%/năm.
Đặc biệt, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực với hệ thống 23 nhà máy chế biến có tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 135.000 tấn/năm. Sản lượng sản phẩm chế biến đã tăng từ 61.051 tấn năm 2015 lên 97.146 tấn năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 9,74%/năm và đã tạo việc làm cho 35.000 lao động.
Ngoài thế mạnh công nghiệp về nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu, Bạc Liêu còn có các ngành công nghiệp thế mạnh khác đang phát triển trên địa bàn như: khai thác năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chế biến lương thực, chế biến muối, sản xuất bao bì, phân bón, sản xuất bia…
Song, nhìn trên tổng thể Bạc Liêu vẫn chưa khai thác được tiềm năng vị trí địa lý và điều kiện để phát triển CN-TTCN. Quy mô sản xuất CN-TTCN nhỏ, cơ cấu ngành nghề, sản phẩm đơn điệu; công nghiệp chế biến thô và gia công với hàm lượng giá trị gia tăng thấp; trình độ công nghệ, tác phong công nghiệp và hàm lượng sáng tạo trong sản phẩm CN-TTCN còn khá thấp…
Do vậy, để khai thác, phát huy có hiệu quả giá trị CN-TTCN, các ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng một chiến lược phát triển CN-TTCN cho ngành, địa phương mình dựa trên các tiềm năng, lợi thế vốn. Trong đó, cần quan tâm đến việc đầu tư khoa học - công nghệ, nhằm tăng hàm lượng “chất xám” và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm CN-TTCN. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao và xem đây là khâu đột phá.