Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia
Để chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất và từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã ban hành Nghị quyết 10 về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Có thể nói, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Kết luận 64 của BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và Nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển CN-TTCN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được nâng lên. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp qua các năm đều tăng.
Quy mô sản xuất được mở rộng, dây chuyền công nghệ được cải tiến, đổi mới. Năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh được nâng lên. Công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò chủ lực, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động và cho tổng sản lượng chế biến năm 2020 đạt 97.146 tấn (tăng 42,28% so với năm 2017).
Đặc biệt trong phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, đã thu hút được nhiều dự án động lực, từng bước xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, phát triển CN-TTCN trong thời gian qua cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế vốn có. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020 chỉ đạt 10,7% và chưa đạt chỉ tiêu Kết luận đề ra (chỉ tiêu là 21%). Việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành phục vụ phát triển CN-TTCN trên địa bàn tỉnh còn chậm. Quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp chưa được triển khai đồng bộ. Các dự án động lực có tác động thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh như: Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (142MW), Nhà máy Điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu (50MW), Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu (3.200MW) tiến độ triển khai chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Các dự án về công nghiệp chế biến nông - thủy sản, công nghiệp muối, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy, công nghiệp cơ khí, chế tạo… phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động sản xuất CN-TTCN tuy có bước phát triển khá, song chưa bền vững, quy mô, năng lực sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, thiết bị công nghệ của một số đơn vị, doanh nghiệp đã lạc hậu nhưng chậm được đổi mới…
Để hóa giải những khó khăn này và đẩy mạnh phát triển CN-TTCN gắn với khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, Nghị quyết 10 đưa ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành trung tâm năng lượng sạch và đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Tập trung triển khai các dự án công nghiệp mang tính động lực, đặc biệt là khai thác có hiệu quả năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phù hợp với kinh tế thị trường và xu thế phát triển. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biến thủy hải sản, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh và thực hiện có hiệu quả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi như: công nghiệp chế biến nông sản - thủy sản, muối, may mặc, cơ khí chế tạo nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp sơ chế nông sản ở nông thôn…
Hoàn thành hạ tầng các khu công nghiệp
Để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu sẽ đẩy nhanh công tác lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tích hợp các phương án: phát triển điện lực, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển khu, cụm CN-TTCN và làng nghề, phát triển thương mại, phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản; phát triển vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, chất lượng cao... đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, lưỡng dụng và linh hoạt, gắn kết với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Củng cố quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ của địa phương và một số ngành, lĩnh vực khác.
Quan tâm quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với nhu cầu phát triển công nghiệp, nhất là đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các dự án năng lượng sạch. Triển khai thực hiện có hiệu quả tất cả các dự án nguồn và lưới điện khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt.
Bên cạnh đó, tích cực mời gọi đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi đầu tư các dự án công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Láng Trâm (TX. Giá Rai), tỷ lệ lấp đầy đạt tối thiểu 60% và bổ sung Khu công nghiệp Ninh Quới (huyện Hồng Dân) vào Quy hoạch khu công nghiệp quốc gia. Hoàn thành hạ tầng 2 cụm công nghiệp Chủ Chí (huyện Phước Long) và Vĩnh Mỹ (huyện Hòa Bình), tỷ lệ lấp đầy đạt trên 50%, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 cụm công nghiệp Hồng Dân. Xem xét quy hoạch thêm 2 cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Đông Hải và Vĩnh Lợi. Phấn đấu đến năm 2030 lấp đầy đạt trên 90% Khu công nghiệp Láng Trâm; hoàn thành hạ tầng Khu công nghiệp Ninh Quới; tỷ lệ lấp đầy đạt trên 60%, lấp đầy đạt trên 90% cho 2 cụm công nghiệp Chủ Chí và Vĩnh Mỹ; hoàn thành hạ tầng cụm công nghiệp Hồng Dân, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 50%. Hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 các cụm công nghiệp còn lại.
Cùng với đó là đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thúc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp. Có cơ chế, chính sách phù hợp di dời các cơ sở sản xuất CN-TTCN gây ô nhiễm môi trường vào các khu, cụm công nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, đẩy mạnh phát triển và tổ chức sắp xếp lại các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Tăng cường khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa, nhất là các mặt hàng truyền thống. Nghiên cứu thị trường để phát triển ngành nghề mới phù hợp với lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Từng bước tổ chức đưa làng nghề vào các tua tuyến du lịch của tỉnh Bạc Liêu …