Tỉnh Long An:
Xây dựng chuỗi liên kết sạch - Hướng đến thị trường khó tính
Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, Long An đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết nông sản an toàn. Việc liên kết sản xuất góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp để hướng đến phát triển bền vững.
Phát huy hiệu quả các chuỗi liên kết
Hiện nay, toàn tỉnh Long An xây dựng được 8 chuỗi rau an toàn tiêu thụ chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn tập thể, công ty, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và Long An. Song song đó, tỉnh có 67 cơ sở với 1.514ha sản xuất lúa, rau, quả được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau, lúa, chanh, thanh long,... sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học và sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, tỉnh Long An còn có trên 215 mã số vùng trồng được cấp với diện tích trên 15.753ha, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Hoa Kỳ. Trong đó, có 190 mã số vùng trồng thanh long, diện tích 11.943ha; 7 mã số vùng trồng chanh, diện tích 173,11ha; 5 mã vùng trồng xoài, diện tích 86,2ha; 2 mã số vùng trồng chuối, diện tích 190ha và 13 mã vùng trồng dưa hấu, diện tích 3.361,5ha.
Hầu hết vùng trồng được cấp mã số đều sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,...), nông dân thực hiện ghi chép nhật ký sản xuất, biểu mẫu giám sát côn trùng, sinh vật gây hại đầy đủ và có tem truy xuất nguồn gốc nông sản.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An - Nguyễn Thị Hồng Châu cho biết: Việc tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị đã giúp nông dân định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập. Việc tham gia chuỗi liên kết cũng giúp các HTX, THT ổn định được giá và sản lượng đầu ra, kiểm soát được chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Từ đó, nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và quy mô thương mại. Mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn của HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) là một trong số những mô hình chuỗi liên kết điển hình.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng cho hay: “Những năm trước đây, sản phẩm rau của HTX chủ yếu tiêu thụ ở chợ truyền thống hoặc bán cho thương lái chứ chưa có hợp đồng tiêu thụ. Nông dân sản xuất vất vả nhưng giá bán không cao, nhiều thành viên HTX cũng nản lòng. Tuy nhiên, khi tìm hiểu và nhận thấy tính hiệu quả khi tham gia liên kết, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của địa phương, HTX đã tập trung tổ chức lại sản xuất, tập huấn, đào tạo cho các thành viên về sản xuất sạch theo hướng VietGAP.
Đến nay, tất cả sản phẩm rau của HTX đều được sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, bảo đảm các khâu từ sơ chế đến đóng gói bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có đầu ra ổn định với giá bán cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg”.
Là một trong những THT vừa sản xuất và tiêu thụ rau thủy canh cho người dân trên địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, THT Rau thủy canh Xuân Huy Thịnh hơn 1 năm qua là địa chỉ uy tín trong cung cấp cho thị trường các loại rau cải sạch. Đây là mô hình sản xuất rau có quy mô lớn đánh dấu sự phát triển nông nghiệp trong đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Giuộc.
Nhờ có “nền tảng” sản phẩm rau đạt chất lượng, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, THT chủ động xúc tiến, ký kết hợp đồng cung ứng rau an toàn với một số siêu thị, cửa hàng rau an toàn, bếp ăn tập thể tại TP. Hồ Chí Minh và Long An với sản lượng 1,5 tấn/ngày; giá trị sản phẩm cao gấp 1,5 - 2 lần so với thời gian đầu chưa triển khai sản xuất theo mô hình chuỗi.
Hướng đến thị trường khó tính
Xác định sản phẩm nông nghiệp an toàn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức đã tiên phong ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào phát triển sản phẩm chanh sạch, nâng cao giá trị kinh tế, hướng đến xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức - Trần Duy Thuận cho biết: HTX hiện có 14ha chanh sản xuất theo hướng GlobalGAP. Cùng với đó, HTX còn mạnh dạn đầu tư nhà xưởng sản xuất, dây chuyền sơ chế, phân loại chanh. HTX cũng thực hiện liên kết tiêu thụ, thu mua tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu chanh đến nhiều thị trường: Châu Âu, Trung Đông, Singapore,...
Có thể khẳng định, việc triển khai các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ, các sản phẩm từ chuỗi được lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên và bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán cao hơn so với sản phẩm khác.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đều đem lại hiệu quả thiết thực, giảm chi phí đầu vào, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và có đầu ra ổn định.
“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Song song đó, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân và hướng đến chinh phục những thị trường khó tính trên thế giới” - ông Thiện cho biết thêm.