Nhân rộng mô hình cho vay theo chuỗi liên kết sản xuất
Mô hình liên kết giữa nông dân, DN và NH đã giải quyết được khó khăn, bế tắc tồn tại nhiều năm qua. Nhờ liên kết, nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để sản xuất, DN có vốn đầu tư công nghệ, NH tăng trưởng tín dụng bền vững. Đời sống người dân tham gia chuỗi cũng được nâng lên rõ rệt với thu nhập cao, ổn định hơn trước. Đối với DN, nhờ được vay với lãi suất thấp cho nên đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, bước đầu hình thành được những mô hình mẫu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng,...
Bảo đảm đầu ra từ chuỗi liên kết
Triển khai Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5-3-2014 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động, tích cực phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc khảo sát, xây dựng chính sách.
Theo đó, đã ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28-5-2014 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp với một số cơ chế đặc thù, như: lãi suất cho vay chương trình thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 đến 1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; NH có thể xem xét cho các thành viên tham gia liên kết vay không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết,...
Căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, liên Bộ (NHNN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ) đã lựa chọn 28 DN trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 địa phương tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tám ngân hàng thương mại (NHTM) đã cam kết tài trợ tín dụng cho các DN đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao với số tiền 5.627 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo từ NHNN, sau gần hai năm triển khai, đến nay các NH đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai, nhiều DN được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco) cho biết, tính đến nay, công ty đã triển khai thả cá giống với diện tích mặt nước 49 ha, đạt 68% so với diện tích dự án. Tổng số tiền Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh An Giang đã giải ngân cho chuỗi liên kết dọc nuôi cá tra của Tafishco này là 231 tỷ đồng, đạt 55,5% so với tổng hạn mức được duyệt của dự án. "Khi tham gia vào chuỗi, các hộ nông dân được Agribank cho vay theo cơ chế đặc thù với mức không có bảo đảm bằng tài sản lên đến 90%; được công ty bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch theo giá thị trường, được hỗ trợ mua thức ăn, thuốc thủy sản,... Hiệu quả kinh tế mang lại cho các hộ nuôi có tham gia chuỗi liên kết cao hơn các hộ nuôi không tham gia chuỗi liên kết từ 500 đến 1.000 đồng/kg. Dòng tiền trong hoạt động chuỗi đều được chuyển khoản qua tài khoản giao dịch tại NH, cho nên quản lý được dòng tiền và bảo đảm đầu tư đúng mục đích" - bà Trinh khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, An Giang) tham gia chuỗi liên kết sản xuất cá tra với Tafishco được hơn một năm. Diện tích thả nuôi 32 nghìn m2, sản lượng bình quân khoảng 1.398 tấn/năm. Ngoài việc được Agribank chi nhánh An Giang giải ngân cho vay hơn 15 tỷ đồng với mức lãi suất thấp, chuỗi liên kết còn mang lại cho ông nhiều lợi ích như được đào tạo, cung cấp giống, thức ăn và được DN bao tiêu đầu ra… và nhờ đó, giá thành sản xuất thấp, lợi nhuận cao. “Tham gia chuỗi liên kết, khi cá tới lứa, có thể thu hoạch ngay, đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu, tôi không còn phải lo lắng tìm nơi tiêu thụ. Sau khi trừ chi phí trả cho nhà máy, phần dôi dư là lợi nhuận" - ông Tấn tâm sự.
Với nguồn vốn được cung ứng kịp thời, Agribank là "mắt xích" quan trọng góp phần phát triển liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Số liệu từ Agribank cho thấy, tính đến tháng 3-2016, Agribank đã giải ngân vốn cho 11 dự án trong tổng số 13 dự án của 13 DN tại 12 tỉnh, thành phố được NHNN phê duyệt cho vay thí điểm. Doanh số cho vay đạt hơn 1.528 tỷ đồng, doanh số thu nợ hơn 875 tỷ đồng, dư nợ đạt gần 653 tỷ đồng. Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Agribank, mô hình cho vay liên kết theo chuỗi sản xuất là mô hình mới, được Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Việc cho vay cũng khá thuận lợi vì tất cả hoạt động giải ngân thanh toán, thu nợ đều được NH kiểm soát dòng tiền cho nên bảo đảm an toàn vốn vay.
Cần thể chế hóa bằng văn bản pháp luật
Sau gần hai năm triển khai, có thể khẳng định, các dự án được lựa chọn trong chương trình lần này thật sự là các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao điển hình của các địa phương và trở thành những điểm sáng, sẽ được lan tỏa, nhân rộng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình cho vay thí điểm cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được nghiên cứu, tiếp tục được hoàn thiện cả về chính sách và chỉ đạo thực hiện, như một số dự án được lựa chọn nhưng do nhiều lý do khác nhau, đã không triển khai được như cam kết ban đầu; một số mô hình liên kết còn mang tính hình thức và chưa có những chế tài cần thiết để bắt buộc đối với các bên phá vỡ cam kết,...
Theo đại diện lãnh đạo Agribank, hiện nay, đối với các tài sản là tư liệu lao động sử dụng trong sản xuất nông nghiệp có giá trị cao như máy móc canh tác thu hoạch, nhà kính, nhà lưới,... trên đất nông nghiệp có giá trị lớn, nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp quyền sở hữu. Mặt khác, do tài sản có rất nhiều loại, nhiều mức giá khác nhau nhưng lại chưa có định mức và quy chuẩn cụ thể cho nên việc sử dụng các tài sản này để thế chấp vay vốn tại NH còn gặp vướng mắc. Do đó, phía NH đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan nghiên cứu cấp giấy chứng nhận tài sản là nhà kính, nhà lưới,... trên đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho DN, người dân thế chấp vay vốn NH; chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi, nhất là đối tượng tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị.
Do đây là một mô hình hoàn toàn mới, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều DN gặp không ít khó khăn, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thời gian thực hiện dự án thí điểm được phê duyệt là hai năm, nhưng phải mất khoảng 3 đến 5 tháng đầu để hộ nông dân chuẩn bị thủ tục tham gia liên kết, vì thế thời gian còn lại của dự án không đủ để hộ nông dân sản xuất nuôi trồng theo hướng bền vững. Nhiều DN kiến nghị NHNN cần tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có chủ trương, chính sách và cơ chế phù hợp với mô hình đang thực hiện hoặc ban hành quy định chính thức thực hiện trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân có thời gian đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng cá tra được ổn định và bền vững.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, các ngành liên quan như NHNN, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... cần có tổng kết, rút ra kinh nghiệm về hiệu quả và những vấn đề vướng mắc, giải pháp tháo gỡ và nhất là cần phải thể chế hóa những vấn đề này bằng các văn bản pháp luật.
Trong thời gian còn lại của chương trình, DN và người dân kiến nghị các NHTM tiếp tục cho vay, hỗ trợ DN đầu mối và các hộ nông dân tham gia triển khai có hiệu quả dự án; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp để phục vụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là phục vụ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.