Người nuôi tôm cần tham gia chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn

Theo Thúy Liễu/Báo Sóc Trăng

Đó là một trong những giải pháp mà Tổng cục Thủy sản đưa ra tại Diễn đàn tôm Việt 2021 bàn “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm trong tình hình dịch bệnh COVID-19”, vào sáng ngày 1/9 bằng hình thức trực tuyến. Dự tại điểm cầu Hà Nội có Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân. Phía tỉnh Sóc Trăng có lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh.

Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm khá lớn. Ảnh: Thúy Liễu
Sóc Trăng là một trong những tỉnh có diện tích nuôi tôm khá lớn. Ảnh: Thúy Liễu

Hội nghị do Tổng cục Thủy sản phối hợp Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của gần 1.000 điểm cầu kết nối, bao gồm các đơn vị liên quan trực thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố ven biển nuôi tôm, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng đầu vào, cơ sở nuôi, đơn vị thu mua…

Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi tôm thương phẩm 711.766ha, tăng 1,16% so cùng kỳ năm 2020, sản lượng 585.000 tấn, trong 8 tháng đầu năm 2021 sản lượng tôm tăng 1% so cùng kỳ năm nhưng giá tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, so cùng kỳ năm 2020; hoạt động thả nuôi đang có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi...

Bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng thông tin về tình hình thả nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, Tỉnh đã thả nuôi tôm nước lợ hơn 76% diện tích theo kế hoạch... và trong giai đoạn đầu thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có gặp khó trong tuần đầu.

Để hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, ngành nông nghiệp thành lập các tổ thu mua, tổ thu hoạch, tổ vận chuyển, đường dây nóng... nên đã tháo gỡ dần các khó khăn và hiện nay tình hình sản xuất tôm của tỉnh cơ bản ổn định. Hiện khó khăn của tỉnh là giá tôm thấp. Để đảm bảo sản xuất tôm, ngành Nông nghiệp tỉnh đã ban hành kế hoạch chung cho 4 tháng còn lại của năm, trong đó xây dựng các phương án đi kèm…

Tổng cục Thủy sản đưa ra một số giải pháp trọng tâm đó là áp dụng quy trình nuôi tôm phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; người nuôi cần tham gia chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn; đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thu mua tôm, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào…

Để tiếp tục tái sản xuất; hỗ trợ người nuôi, không được nhân cơ hội này để nâng giá vật tư sản xuất; ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lực lượng lao động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng…