Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội:
Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19
Ngày 27/9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm trước mắt và lâu dài để phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19.
Xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19
Theo TS.Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19.
TS. Trần Thị Hồng Minh dẫn chứng, các thị trường xuất khẩu trên thế giới đang sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước...
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19. TS.Trần Thị Hồng Minh cho biết, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách.
Trong đó, giai đoạn 1 từ nay đến quý I/2022, Việt Nam cần ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2, quý I/2022 đến hết năm 2023, giai đoạn này, Việt Nam đã kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp. Giai đoạn 3, sau năm 2023, đây là gia đoạn bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng đề nghị, cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”.
Trong đó, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…
Nêu quan điểm về giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch, PGS.,TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, cần thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ nhất quán mới có thể mở cửa trở lại.
TS. Phạm Hồng Chương kiến nghị, cần đẩy nhanh tiêm vắc xin đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hạt động trở lại khi đủ điều kiện; cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian dãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý...
Bổ sung các chính sách, biện pháp phù hợp bối cảnh mới
TS. Cấn Văn Lực đề xuất, Chính phủ cần tính toán để gia hạn Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất trong năm 2021; đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19... Bên cạnh đó, cần tính toán để gia hạn các gói giảm phí, lệ phí khác, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng người lớn 70% (dự kiến hết quý II/2021).
TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Cụ thể như, mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức; gói hỗ trợ tiền điện; gói hỗ trợ viễn thông; Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi;
Theo PGS.,TS. Phạm Hồng Chương, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp thời gian qua trong quản lý và điều hành nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới.
Có thể kể đến các chính sách như: thu hút lao động trở lại sản xuất; chính sách an sinh xã hội đối với người lao động; các chính sách hậu cần, logistics của từng địa phương, thành phố; bổ sung mặt hàng dự trữ Quốc gia và nâng tỷ lệ mức dự trữ quốc gia, điều chỉnh Luật Dự trữ Quốc gia 2013 và xây dựng Chiến lược dự trữ Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới...
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đã nghe và cùng trình bày các tham luận và thảo luận về nhiều nội dung kinh tế - xã hội khác, như: Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022; thực trạng chuỗi cung ứng và khuyến nghị phục hồi kinh tế sau đại dịch; đánh giá chính sách tài khóa năm 2021 và vấn đề đối với năm 2022; đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam; đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 với kinh tế, xã hội Việt Nam...